Vì sao giới trẻ thích xăm mình

05/03/2010 09:54 GMT+7

(TNTT>) Không dễ để trả lời câu hỏi này, nhưng có một thực tế là hầu hết người đi xăm mình đều trẻ. Không mấy ai đã 50, 60 tuổi mà đi xăm mình. Theo các tiệm xăm cho biết, khách tầm 40 tuổi đi xăm cũng hiếm thấy...

Tìm đến tiệm xăm Dũng Tattoo, một tiệm xăm mình công khai có đăng ký kinh doanh đang được giới trẻ TP.HCM hiện nay ưa chuộng, chúng tôi được anh Dũng cho biết "có đến 99% số khách hàng của tôi là giới trẻ, tức là từ trên 18 tuổi đến khoảng hơn 30 tuổi. Trong đó, đông nhất là giới công chức, nhân viên văn phòng và một số là sinh viên". 

1.001 lý do xăm mình

Người ta hay nghĩ người đi xăm mình nếu không phải dân giang hồ thì cũng là “dân chơi mát trời” hoặc đang có tư tưởng “nổi loạn”. Nhưng có đi vào thế giới xăm trổ mới biết có... 1.001 nguyên nhân khác nhau khiến một người quyết định đi xăm mình. Tất nhiên, không thể loại trừ những động cơ không trong sáng. Như giới giang hồ thường dùng những hình xăm trổ để chứng minh cho “số má” của mình, hù dọa người khác. Hay có những thanh niên muốn trốn nghĩa vụ quân sự cũng đi xăm mình. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có rất nhiều người quyết định đi xăm mình vì những nguyên nhân rất ý nghĩa: như dùng hình xăm đánh dấu một cột mốc quan trọng trong cuộc đời, lưu lại một kỷ niệm về người thân yêu đã khuất... Và cũng không thể bỏ qua những người đi xăm đơn giản chỉ vì thật sự bị quyến rũ bởi loại hình nghệ thuật trang trí cơ thể này. Xét cho cùng, đó cũng là một sở thích hoàn toàn chính đáng.

Tại những tiệm xăm công khai, nếu thấy khách quá trẻ, thường chủ tiệm sẽ hỏi nguyên nhân vì sao khách muốn xăm để tránh những trường hợp rắc rối. Thường thì thông qua việc lựa chọn hình xăm có thể biết được ý muốn của người đi xăm mình. Anh H.T, một thợ xăm “chui” nhưng khá tên tuổi ở TP.HCM, phân tích: Dân giang hồ muốn xăm gì đều phải có luật lệ, thứ bậc cả. Nhưng thường họ chọn những hình ghê rợn như mặt quỷ, sư tử, hổ, rồng... “Dân chơi” có tiền, muốn khoe mẽ sẽ chọn xăm những hình kích thước lớn, nhiều họa tiết trên lưng, trên bắp tay, những chỗ dễ thấy.

Có người xăm hình hoành tráng để “lấy số” với bạn bè thì cũng có người xăm hình để dành riêng cho chính mình, để kỷ niệm một điều gì đó riêng tư, ý nghĩa và không bao giờ cho ai thấy

Nhưng họ sẽ không chọn những hình kinh dị mà thường chọn hình có tính mỹ thuật khá cao. Người nào xăm tên tuổi, xăm ngày tháng, xăm chân dung là muốn kỷ niệm điều gì đó. Còn sinh viên, công chức đơn giản chỉ để làm đẹp, lấy “điểm phong cách”... thì xăm hoa lá, các con côn trùng nhỏ, xăm tribal (họa tiết)... với kích thước vừa phải, màu sắc tươi sáng.

Anh Dũng Tattoo kể, trong năm 2009 có lần một người đàn ông khoảng trên 30 tuổi đến nhờ anh xăm hình một bé gái đang tươi cười lên bắp tay cùng dòng chữ “pa Tuệ forever”. Trong lúc xăm, người đàn ông vạm vỡ ấy lặng lẽ chảy nước mắt. Rồi anh ta kể với Dũng rằng anh vừa mất đứa con gái khi đưa gia đình đi du lịch tại California (Mỹ) đúng lúc một cơn bão tràn vào vùng biển này. Dũng nói đó là kỷ niệm xúc động và khó quên nhất trong cuộc đời làm nghề của anh. Dũng đã chụp lại hình xăm này và đưa lên trang web giới thiệu cho tiệm của mình.

Một buổi trưa, tại tiệm Nguyễn Tattoo trên đường Thích Quảng Đức (Q.Phú Nhuận), chúng tôi gặp một người đàn ông trẻ, cao lớn, ăn mặc lịch lãm đi taxi đến sửa lại một hình xăm anh hùng Che Guevara lớn bằng bàn tay trên ngực phải vì màu mực đã hơi mờ. Được sự giới thiệu của chủ tiệm, anh đồng ý bắt chuyện. Vị khách cho biết năm nay 37 tuổi, đang là giám đốc một công ty chuyên kinh doanh bất động sản ở quận Tân Bình. Anh tự giới thiệu tên H., nhưng anh chủ tiệm nói đó chắc là tên giả thôi. H. đã mang hình xăm Che trên ngực từ ngày mới tốt nghiệp trường Đại học Kinh tế TP.HCM. “Tôi mê các câu chuyện về Che từ khi còn là sinh viên. Hồi mới ra trường, nghĩ là sau này cuộc sống sẽ gặp nhiều gian truân, tôi đã nhờ người bạn dân hội họa xăm cho hình xăm này để... lấy tinh thần. Về sau, thật sự nhiều lúc nó đã giúp tôi đứng lên khi gặp khó khăn. Tôi xăm cho riêng mình, chưa từng có ý đem khoe hình xăm này với ai, nhưng cũng chẳng ngại nếu có ai đó nhìn thấy nó”, anh H. tâm sự.

Hình xăm không nói lên nhân cách

Như đã thấy, có rất nhiều nguyên nhân khiến một người đi xăm mình. Không phải lúc nào hình xăm cũng là “dấu hiệu nhận biết” một kẻ tội phạm hoặc đang mang tư tưởng nổi loạn. Có người xăm hình hoành tráng để “lấy số” với bạn bè thì cũng có người xăm hình để dành riêng cho chính mình, để kỷ niệm một điều gì đó riêng tư, ý nghĩa và không bao giờ cho ai thấy. Anh Dũng tattoo còn tiết lộ, từng có một số chiến sĩ cảnh sát đặc nhiệm vì yêu cầu nhiệm vụ cũng đến xăm mình ở tiệm anh.

Người ta nói “chiếc áo không làm nên thầy tu”. Từ đó có thể suy ra, hình xăm cũng không làm nên nhân cách con người. Nhưng có một thực tế là tại Việt Nam, những người mang trên mình hình xăm, nhất là giới trẻ, thường phải chịu ánh nhìn không thiện cảm từ mọi người, đặc biệt là người lớn tuổi. Quan niệm “Không phải ai xăm mình cũng là người xấu. Nhưng người xấu nào cũng có xăm mình” dường như đã trở thành một định kiến. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi tại các tiệm xăm mình công khai có đăng ký kinh doanh khá nổi tiếng như Dũng Tattoo, Sài Gòn Ink... lượng khách hàng vào đây rất đa dạng, trong đó rất nhiều người là công chức, nhân viên văn phòng. Suy ra có một lượng lớn người đang mang hình xăm là những công dân lương thiện trong xã hội. Vậy cách nghĩ “người xấu nào cũng có hình xăm” liệu có còn chính xác?

Bản thân tôi cũng rất thích xăm mình, nhưng thường chỉ dám xăm... giả, tức là loại chỉ dán hình xăm lên người mình thôi, sau vài ngày tắm gội thì nó sẽ tự động nhạt đi và biến mất, vì sợ đau. Dù biết là khi xăm thì người ta cũng có tiêm thuốc mê cho mình và cái đau nó cũng ít, cũng qua nhanh nhưng cứ mỗi lần chứng kiến cảnh người ta xăm qua sách báo, ti-vi, tôi lại thấy... hãi quá, tưởng tượng da thịt mình mà bị rạch rạch như vậy thì làm sao chịu nổi!_XUN LINH (24 tuổi, 0903338…)

Xăm mình cũng thú vị nhưng có một khuyết điểm là không tẩy xóa được, nên tôi cứ chần chừ mãi không dám đi xăm. Lỡ xăm xong mà hình xấu, mình không hài lòng hoặc bạn bè, người thân không hài lòng thì không có cách gì sửa được, chỉ có cách là... xăm thêm hình khác vì nếu xóa hoặc sửa hình xăm cũ thì sẽ rất khó khăn, và chắc chắn là để lại sẹo rất xấu xí. Tuần trước tôi vừa đi Singapore chơi về, thấy bên họ có những mẫu hình xăm khá đẹp, dù chỉ là dán (xăm giả) thôi nhưng để rất lâu mới phai. Tôi rất thích kiểu xăm như vậy, vì sau này mình muốn thay đổi hình xăm khác cũng dễ dàng hơn. Con người vốn rất dễ thay đổi sở thích mà._DUY THANH (Hà Nội, thanhhero…@yahoo.com.vn)

Những “sự cố” về trang phục thường xảy ra ở phái nữ có lẽ do cách ăn mặc của phái nam đơn giản hơn. Tôi thích đồng phục của nhân viên ngân hàng hoặc các trung tâm mua sắm, vừa kín đáo, lịch sự nhưng cũng rất thời trang. Nhưng tại một số công ty cho phép nhân viên mặc đồ tự do thì lại có rất nhiều chuyện để nói. Tôi đã từng bị choáng khi đến liên hệ công tác tại một công ty nọ khá đông người và thấy chị nhân viên tiếp mình mặc hẳn một bồ đầm thun xanh không tay, loại chỉ thích hợp để mặc ở nhà!_LÊ THỊ NGỌC VI (Q.9, TP.HCM, 0903108...)

Hòa Đặng: "Xăm trổ là môn nghệ thuật nghiêm túc"

Chủ tiệm xăm Tattoo Sài Gòn, Hòa Đặng, được dân yêu nghệ thuật xăm biết đến với cái tên Hunter Đặng, anh cũng là một trong những nghệ nhân xăm trổ hiếm hoi có giấy phép hành nghề được cấp tại Mỹ. Hòa kể phần đông các khách hàng của tiệm anh là người Việt và Việt kiều, khách nước ngoài cũng có nhưng tùy mùa. Điều thú vị là lượng khách nữ ở tiệm anh có nhỉnh hơn khách nam đôi chút. Phần lớn khách hàng nữ thường xăm những hình nhỏ hoặc hoa văn chìm, khách hàng nam thường xăm hình lớn, nổi bật như rồng, cá...

 
Hòa Đặng và tác phẩm hình xăm vừa hoàn tất của mình

Anh Hòa cho biết, hầu hết khách hàng của Tattoo Sài Gòn là giới trẻ, từ 18-30 tuổi, thường là nhân viên văn phòng, công chức nhà nước và sinh viên. Trước đây, người Việt thường không thiện cảm lắm với việc xăm trổ. Nhiều người vẫn cho rằng chỉ "dân anh chị" mới có hình xăm. Tuy nhiên, trong khoảng 5 năm trở lại đây, giới trẻ đã có cái nhìn thoáng hơn về xăm. Nhiều người xăm vì muốn ghi dấu một kỷ niệm hoặc một câu nói mà họ tâm đắc, xăm do tín ngưỡng, hoặc chỉ đơn giản xem hình xăm là một món trang sức có tính nghệ thuật cao.

Có nhiều người thích xăm nhưng không biết mình muốn xăm hình gì, và đặt hình xăm đó ở đâu. Chỉ đơn giản là: “Em thấy bạn em xăm đẹp quá, nên cũng muốn có một cái...”. Với những bạn trẻ như thế Hòa sẽ cho họ xem catalogue, chọn hình, màu sắc, vị trí xăm. Có những đôi vợ chồng mới cưới đến chỗ Hòa, nhờ anh tư vấn và chọn giúp một hình xăm thật ý nghĩa để ghi dấu ngày hạnh phúc của họ. Sau khi được tư vấn, chọn hình, xăm xong, họ cứ ngồi trước gương, xoay đi xoay lại để xem hình xăm của mình, rồi nhờ anh và nhân viên trong tiệm chụp lại hình xăm, rồi chụp hình cùng nghệ nhân xăm... Điều đó cho thấy họ có cái nhìn về việc xăm trổ như một môn nghệ thuật thực thụ. Anh Hòa chia sẻ: “Quan niệm bây giờ đã thoáng hơn, họ không đánh giá bạn qua việc trên cơ thể bạn có hình xăm hay không, mà đánh giá qua việc bạn xăm hình gì và xăm ở vị trí nào trên cơ thể”. Chẳng hạn bạn không thể xăm hình Chúa, hoặc cây thánh giá ở những vị trí thấp như thắt lưng, cổ chân, vì như thế không những làm mất đi phần tôn kính trong tôn giáo mà còn cho thấy khả năng thẩm mỹ của bạn chưa tốt. Ngược lại, một hình xăm nghệ thuật, được “đặt để” đúng chỗ vừa giúp tạo điểm nhấn làm tôn lên vẻ đẹp của cơ thể, vừa chứng tỏ được bạn là người có “con mắt nghệ thuật”.

Tuy nhiên, anh Hòa cho biết, anh cũng gặp không ít người xăm trong phút bốc đồng, xăm những câu, những chữ khá cực đoan, sau này không muốn giữ lại hình xăm đó nữa, muốn xóa, nhưng không được.

Riêng đối với anh, xăm trổ là một thú chơi nghiêm túc, trước khi xăm cần cân nhắc mục đích vì sao mình muốn xăm, tại sao lại là hình này, ở vị trí này (trên cơ thể)... và nếu tự mình trả lời được hết những câu hỏi đó, thì mới nên xăm.

Lê Vân

Nguyên Chính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.