Vì sao học sinh không lên tiếng khi giáo viên 'bạo hành'?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
06/04/2018 11:55 GMT+7

Chấp nhận uống nước giặt giẻ lau, im lặng chịu đựng cô giáo lên lớp không giảng bài suốt mấy tháng… là những thái độ thể hiện sự sợ hãi của học sinh trước giáo viên, khiến các bậc cha mẹ đau lòng.

Thầy cô luôn luôn đúng?

Sự việc một học sinh lớp 3 ở Hải Phòng bị cô giáo bắt uống nước giẻ lau trước sự chứng kiến của bạn bè trong lớp, đã khiến các bận phụ huynh phẫn nộ. Trước đó, tập thể một lớp học ở huyện Nhà Bè, TP.HCM đã im lặng chịu đựng sự tra tấn tinh thần của cô giáo dạy toán suốt mấy tháng mới dám lên tiếng. Và cũng mới cách đây vài hôm, học sinh lớp 12 Trường THPT Hàn Thuyên (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) mới dám gửi tâm thư cho thầy hiệu trưởng sau nhiều lần bị thầy giáo dạy văn sử dùng những lời lẽ thô tục, xúc phạm nhiều học sinh trong lớp.
Ông Nguyễn Sơn Hải, một phụ huynh có con học lớp 6 ở Q.Tân Phú, TP.HCM cho biết: “Tôi nhận thấy con cái chúng ta, từ lúc học mầm non cho tới phổ thông, luôn có tâm lý sợ cô giáo. Thậm chí còn sợ hơn ba mẹ. Hồi nhỏ cô chỉ la một vài câu là tối về con tôi không ngủ được. Tôi vẫn động viên cháu là ở lớp có chuyện gì về thầy cô, bạn bè thì về kể cho ba mẹ biết. Nhưng không hiểu sao mỗi lần hỏi chuyện lớp, cháu hay lảng tránh. Mẹ cháu thủ thỉ mãi, cháu mới nói là cô cấm được về nhà kể chuyện lung tung. Nếu kể thì liệu hồn”.
Phụ huynh Thanh Thảo (Q.3, TP.HCM) chia sẻ, con của chị luôn coi cô giáo là một người “có uy quyền, nói gì cũng đúng, không ai được phản bác”. “Con tôi nói nếu cãi lại cô, phản ứng lại cô sẽ bị cô cho là hỗn láo, ngỗ ngược. Không những thế, còn sợ cô chú ý, sợ cô chấm điểm thấp… Vì thế, các cháu chỉ dám than thở với nhau. Nếu đứa trẻ nào sống nội tâm thì gặp những tình huống oan ức, có khi cứ ấp ủ trong lòng không chia sẻ với ai được, sẽ rất khổ sở”.
"Em sợ cô ghét lắm"!
Khi được hỏi nếu thấy thầy cô có hành động hoặc lời nói chưa phù hợp, gây bức xúc thì học sinh có nên phản ứng lại, G.K, học sinh lớp 11 Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Q.Tân Bình, TP.HCM lắc đầu: “Ôi không đâu ạ. Em sợ bị cô ghét lắm”. N.N, một nữ sinh học trường THPT Trần Phú, Q. Tân Phú, TP.HCM cho rằng: “Nếu cô bắt em uống nước giặt giẻ lau như cô bé kia, em sẽ không uống đâu. Em chấp nhận để cô tiếp tục phạt bằng hình thức khác, quỳ hay chép bài cũng được. Dù cô đúng hay sai thì tụi em cũng không ai dám phản ứng lại, sợ lắm!”.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy điều đó, khi thời gian qua trên mạng xã hội có một số clip ghi lại cảnh thầy giáo đấm đá túi bụi học sinh trước cả lớp, nhưng tất cả chỉ dám đứng nhìn, thậm chí có học sinh còn lơ đi, không thèm quan tâm.
Cần trang bị kỷ năng phản biện cho học sinh ngay từ nhỏ
Lý giải về vấn đề này, tiến sĩ tâm lý giáo dục Võ Văn Nam, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: “Sở dĩ lâu nay phần lớn học sinh cắn răng chịu đựng mà không dám phản ứng lại những lời nói, hành động được coi là sai trái với phương pháp giáo dục, là vì các em chưa ý thức được vị trí, vai trò của mình trong trường học. Các em có tư tưởng thầy cô lúc nào cũng đúng, tuyệt đối nghe theo, làm theo vì sợ bị ghét, sợ bị trù dập. Nỗi sợ hãi ám ảnh ăn sâu vào tiềm thức từ thời trẻ thơ, lâu dần trở thành vô thức. Nó quyết định tính cách và hành vi các em suốt cuộc đời. Các em sẽ tiếp tục dùng lối hành xử đó với người khác, cứ thế cái hại lây lan ra xã hội”.
Tiến sĩ Nam cho rằng học sinh cần được bồi dưỡng về nhận thức để thấy được vai trò của mình trong mối quan hệ thầy – trò là gì, theo đó, học trò là chủ thể, cần được giáo viên tôn trọng, yêu thương.
“Các em cũng cần được khuyến khích thái độ mạnh dạn đấu tranh với cái sai dù cái sai đến từ đâu. Tuy nhiên, các em phải khéo léo, tế nhị giúp giáo viên hiểu ra cái sai để thay đổi, nhưng vẫn thể hiện sự lễ độ, chân thành. Tuyệt đối không dùng thái độ xấc xược để đối đáp lại. Muốn vậy, từ nhỏ, học sinh cần phải được trang bị kỹ năng phản biện, điều đang rất thiếu trong các trường học của chúng ta”, tiến sĩ Nam nhìn nhận.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.