Có chiến lược phù hợp thay vì bỏ học
Từng là một học sinh học tốt các môn xã hội nhưng Nguyễn Hoàng An lại được gia đình định hướng vào ngành quản trị kinh doanh. An cho biết vào năm 2017 khi những người bạn trong lớp đang hào hứng đăng ký nguyện vọng vào ngành yêu thích thì bản thân mình lúc đó vẫn không biết thích gì. Nhờ sự "hướng dẫn" của gia đình nên An vào học ngành quản trị kinh doanh tại Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ. Sau một năm nhập học tại ngôi trường này, An đã nhận ra bản thân đã học sai ngành và đã có chiến lược phù hợp thay vì bỏ học.
“Mình nhận ra bản thân không phù hợp với việc tính toán những con số mà lại yêu thích nghệ thuật và môi trường làm việc tự do. Đã có lúc mình thấy bản thân áp lực đến mức không thể chịu đựng được nữa. Tuy nhiên, mình vẫn chọn học tiếp để tốt nghiệp bằng cao đẳng, song song đó mình tích lũy thêm nhiều kỹ năng khác như: làm việc nhóm, tư duy giải quyết vấn đề… Trong quá trình học ở trường mình có đi học thêm bộ môn xăm hình trên cơ thể”, An chia sẻ.
Sau khi tốt nghiệp cao đẳng với bằng khá, An theo đuổi công việc thợ xăm. Hiện tại, An đang rất hài lòng với cuộc sống vì vừa được làm công việc yêu thích, vừa hoàn thành chương trình học mà không phụ lòng gia đình.
Nguyễn Thị Thảo Phương, hiện đang làm việc tại một công ty truyền thông ở Q.10 (TP.HCM) cũng từng rơi vào trường hợp tương tự. Từng học rất tốt môn ngữ văn nên cô gái này đã không ngần ngại thi vào ngành văn học của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Vì ngành học thiên về nghiên cứu tác giả, tác phẩm văn học nên vào năm thứ 2 đại học Phương đã cảm thấy mình không còn phù hợp.
“Lúc đó mình cũng từng nghĩ là sẽ bỏ ngang và học lại ngành truyền thông đa phương tiện hoặc quan hệ công chúng để sau này được làm việc trong ngành truyền thông. Tuy nhiên, nghĩ lại khoảng thời gian mình cất công học suốt hai năm và tiên tốn nhiều tiền bạc của cha mẹ, nếu bỏ ngang là xem như công cốc. Và ngay thời gian đó mình cũng được giới thiệu vào thực tập tại công ty truyền thông nên quyết định không nghỉ học”, Thảo Phương chia sẻ.
Thảo Phương cho biết tuy không quá đam mê nghiên cứu văn học nhưng chính ngành này đã giúp cô rèn luyện được nhiều kỹ năng như làm việc nhóm, có nhiều kiến thức về lĩnh vực văn học, văn hóa… giúp cô thuận lợi hơn trong quá trình làm truyền thông như hiện tại. Phương cho biết hiện tại cô nàng vừa làm thực tập sinh, vừa trao dồi tiếng Anh, song song với việc học tại trường để trang bị đủ kỹ năng và kiến thức cho công việc.
Tích lũy thêm những kiến thức ở vị trí việc làm mình mong muốn trong tương lai
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Khoa học giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết không ai có thể đưa ra một kết luận khẳng định chắc chắn về tính đúng đắn của quyết định của các bạn sinh viên trong việc có nên dừng lại việc học khi chọn sai ngành hay không. Nhưng theo ông Nam, điều đáng mừng nhất ở đây là các bạn đã tự chủ đưa ra quyết định của riêng mình và chịu trách nhiệm với nó. Đây là phẩm chất thường thấy ở những người thành công.
“Riêng với góc nhìn của tôi, các chương trình đào tạo đại học bây giờ đang được thiết kế theo triết lý khai phóng, trong những năm đầu đều cung cấp những khối kiến thức chung tương đương nhau. Điều này giúp các bạn rèn một số năng lực về công nghệ thông tin, tư duy phản biện, đổi mới sáng tạo và kỹ năng mềm để góp phần thành công trong tương lai”, PGS. TS Trần Thành Nam nói.
Cũng theo ông Nam, để đáp ứng thị trường lao động thì không thể chỉ học đơn ngành mà cần kiến thức liên ngành, xuyên ngành. Vì vậy, thay vì dừng việc học, sẽ thông minh hơn nếu bạn chọn đi tiếp, đặt ra mục tiêu cho mình, tìm kiếm các cơ hội học song bằng hoặc tích lũy thêm những kiến thức ở vị trí việc làm mình mong muốn trong tương lai sẽ tiết kiệm thời gian và hiệu quả hơn.
“Các bạn cũng phải tự đặt câu hỏi với chính bản thân mình tại sao mình biết và khẳng định rằng mình đã chọn sai ngành. Vậy ngành đúng với đam mê của mình là gì? Tại sao trước đây mình không phát hiện ra? Nếu các bạn không thể trả lời chắc chắn những câu hỏi đặt ra thì tốt nhất là hãy đi theo flow (có nghĩa là đi theo dòng chảy). Những gì bạn đang trên con đường, nó đã chuyển động và có các điều kiện hỗ trợ cho việc đi tiếp rồi”, ông Nam chia sẻ.
Đừng bao giờ xem nhẹ việc chọn ngành
PGS.TS Trần Thành Nam, nhấn mạnh trước khi đặt bút vào tờ giấy đăng ký nguyện vọng, các bạn học sinh cần cân nhắc thật kỹ năng lực, tính cách của bản thân, các xu hướng nghề nghiệp của tương lai, nghiên cứu về đặc điểm nghề nghiệp cả trên phương diện thuận lợi và những khó khăn thách thức. Bạn cũng không thể bỏ qua việc nghiên cứu về cơ sở đào tạo xem có uy tín không, nghiên cứu về chương trình đào tạo xem có cho phép bạn học song bằng không.
Ông Nam cho biết thêm có những cơ sở đào tạo sẽ tuyển bạn vào theo nhóm ngành và sẽ chỉ phân ngành vào năm thứ 2 đại học, những cơ sở đào tạo như vậy cũng sẽ giúp bạn có thêm thời gian và cơ hội để định hướng lựa chọn ngành nghề. Dựa trên tất cả các thông tin đó, hãy lựa chọn những nghề phù hợp với sở thích và hứng thú của bản thân theo các nguyên tắc. Đó là, không được chọn nghề mà bản thân không có đủ điều kiện đáp ứng cả về tính cách, giá trị, năng lực bản thân... Chỉ chọn khi đã có hiểu biết đầy đủ về nghề đó, ví dụ như đã trải nghiệm thực tế về điều kiện, môi trường làm việc, tính chất của công việc, những khó khăn thách thức về thời gian, sức khỏe, phẩm chất.
“Không nên chọn những nghề mà xã hội sẽ không còn nhu cầu hoặc nhu cầu sẽ giảm đi trong tương lai. Cha mẹ và học sinh cần phải biết xu hướng những ngành nghề nào sẽ phát triển hơn trong tương lai và những ngành nghề nào sẽ dần biến mất. Phải chọn nghề đáp ứng được những giá trị mà bản thân học sinh coi là quan trọng và ý nghĩa với bản thân mình. Ví dụ, bạn luôn tâm niệm một giá trị muốn giúp đỡ, tư vấn, hỗ trợ người khác thì bạn sẽ rất hợp với lựa chọn trở thành giáo viên, nhà tâm lý hoặc nhân viên công tác xã hội…”, ông Nam nhắn nhủ đến các thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp năm 2023.
Bình luận (0)