Vì sao khó điều chế vắc xin ngừa virus Corona mới?

12/02/2020 15:28 GMT+7

Giới chuyên gia cho biết việc điều chế vắc xin gặp khó khăn do có nhiều công đoạn và virus Corona mới đột biến quá nhanh. Riêng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính 18 tháng nữa mới có vắc xin.

Virus Corona mới đột biến với tốc độ nhanh

Trong bài viết đăng trên trang The Hill, tiến sĩ Chia-Yi Hou, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Mỹ, cho biết: “Vật liệu di truyền của virus Corona mới là Axit ribonucleic (RNA). RNA tồn tại trong một chuỗi, không giống như DNA là chuỗi kép. Chỉ có một chuỗi duy nhất giúp RNA dễ dàng tách và phối lại vì chỉ cần một kết nối bị phá vỡ. Điều này đồng nghĩa virus có thể đột biến thực sự nhanh chóng, khiến cho bất kỳ loại thuốc hoặc vắc xin nào ra đời sẽ sớm bị lỗi thời”.
Theo Hou, đối với các loại virus không còn lây lan như bệnh đậu mùa và bệnh bại liệt, thì vắc xin sẽ hoạt động vĩnh viễn trừ khi virus thoát ra và bắt đầu đột biến, sản sinh ra chủng mới. Mặc virus đột biến khó xảy ra ngay cả đối với bệnh đậu mùa nhưng điều này thực sự đã bắt đầu xảy ra với vắc xin bại liệt.
Hiện có hai loại vắc xin ngừa bại liệt: một loại là dạng virus “chết” dùng cho tiêm chủng và một loại là virus “sống bị suy yếu” truyền qua đường miệng. Vắc xin bại liệt dạng uống đã bị ngưng sử dụng ở Mỹ nhưng vì thiếu nguồn cung nên vẫn được dùng ở nhiều nước thu nhập thấp.
“Các bác sĩ đã ghi nhận những trường hợp mắc bệnh bại liệt mới ở những người chưa được tiêm chủng, xuất phát từ virus đột biến trong vắc xin dạng uống”, theo tiến sĩ Hou.

Chặng đường dài để phát triển vắc xin mới

Đối với hầu hết các loại virus, giới chuyên gia và hãng dược sẽ đánh giá là không đáng phát triển vắc xin nếu virus đó không gây chết người và lây lan rộng. Đa số virus không phải vấn đề lớn trong dân chúng, chẳng hạn những loại virus cảm lạnh thông thường.
Virus cũng có thể đột biến khá nhanh, thu nhận vật liệu di truyền mới từ các virus khác. Các nhà nghiên cứu có thể cố gắng ước tính tỷ lệ đột biến cho những loại virus khác nhau, nhưng chúng cũng có thể thay đổi, tiến hóa và thích nghi.
Trong khi đó, hầu hết các chuyên gia cho biết khung thời gian ngắn nhất để phát triển vắc xin là khoảng một năm. Theo quy định của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), vắc xin sẽ phải trải qua sáu giai đoạn.
Đáng lo ngại nhất là vào thời điểm một loại vắc xin hiệu quả được phát triển hoàn thiện và đánh giá là an toàn để sử dụng, thì dịch bệnh đã được kiểm soát. Cụ thể là dù có một số loại thuốc và vắc xin phát triển nhanh chóng, thử nghiệm trong đợt dịch bệnh Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002-2003 đến nay vẫn không được cấp phép.

Ảnh minh họa virus Corona mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC)

CDC

Các phương pháp điều trị hoặc chữa khỏi bệnh cho các bệnh do virus gây ra là hoàn toàn khác. Vắc xin chỉ hiệu nghiệm trước khi bị lây nhiễm vì vắc xin giúp hệ thống miễn dịch của con người phản ứng với virus. Trong khi đó, thuốc là dùng điều trị cho những người bị nhiễm bệnh, thường nhắm vào các cơ chế virus xâm nhập vào tế bào trong cơ thể.
Hiện các chuyên gia đang thử nghiệm phương pháp bằng thuốc kháng virus hiện có trong điều trị HIV. Một số loại thuốc kháng virus theo toa có tác dụng trong điều trị bệnh cúm do có cơ chế can thiệp vào sự sinh sản của virut cúm, ngăn chặn chúng nhảy từ tế bào này sang tế bào khác. Tuy nhiên, trong trường hợp virus Corona mới, những loại thuốc kháng virus hiện có không thể loại trừ nguy cơ biến chứng và kháng thuốc.

[VIDEO] Cuộc đua điều chế vắc xin phòng virus corona: đường còn xa

Phát triển vắc xin mới quá tốn kém

Các hãng dược lớn thận trọng tuyên bố chi phí đầu tư cho vắc xin mới lên tới 800 triệu USD và ngay cả khi được đẩy nhanh tiến độ thì cũng phải mất hơn một năm, theo Reuters. "Chúng tôi sẽ mất ít nhất 12-18 tháng nên sẽ không mang đến lợi ích gì giữa lúc tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp", Thomas Breuer, giám đốc đơn vị vắc xin của hãng GlaxoSmithKline cho biết. Một số hãng dược lớn không dám đầu tư “mạo hiểm”.
“Các hãng dược thường dồn tài nguyên vào các loại thuốc có thể mang lại lợn nhuận cao, như thuốc giảm đau”, tiến sĩ Hou lưu ý. Ngay cả khi việc phát triển vắc xin được đẩy nhanh trong dịch bệnh, điều đó chưa thể đảm bảo nó sẽ được sản xuất đại trà do vướng những rào cản pháp lý.
Một số loại virus hiện đang có vắc xin bao gồm sởi, bại liệt và HPV là do sự tàn phá của những căn bệnh đó lớn hơn chi phí phát triển vắc xin.

Trung Quốc đang đẩy nhanh quá trình nghiên cứu kiểm soát nCoV

Reuters

Cuộc đua marathon, không phải chạy nước rút

Các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành ở tâm dịch Vũ Hán nhưng những loại thuốc điều trị vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm. Các nhà khoa học Anh thì đang thử nghiệm vắc xin trên chuột.
Các chuyên gia cảnh báo thiếu nguồn tài trở cho nghiên cứu về vắc xin Ebola và nay là coronavirus. Thậm chí, một vài bệnh nguy hiểm vẫn không có vắc xin là bệnh lao và sốt rét, dù có nhiều tiền tài trợ.
“Trước thực tế đó, chúng ta có thể không bao giờ có một loại vắc xin thuộc thuốc điều trị virus Corona mới”, tiến sĩ Hou nói.

[VIDEO] Bệnh nhân nhiễm virus corona được chữa trị ra sao?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.