Vì sao kiến nghị lập ban chỉ đạo giải quyết vướng mắc về bảo hiểm y tế?

Duy Tính
Duy Tính
11/10/2022 14:24 GMT+7

Năm 2021, các bệnh viện tại TP.HCM chưa được BHYT (hoặc không thanh toán) là 423 tỉ đồng do các BV vượt tổng mức thanh toán, điều này dẫn đến nguy cơ cao nợ công kéo dài.

Ngày 11.10, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có kiến nghị UBND TP.HCM kiện toàn Tổ công tác giải quyết vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế (BHYT - thành lập năm 2019) và nâng thành Ban chỉ đạo (BCĐ) giải quyết vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT do 1 Phó chủ tịch UBND TP.HCM làm trưởng BCĐ.

BCĐ giải quyết vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT kiến nghị Bộ Y tế điều chỉnh cách tính tổng mức thanh toán khám chữa bệnh (KCB) BHYT, sớm tính đúng, tính đủ chi phí KCBV. Định kỳ hằng tháng hoặc đột xuất tổ chức các cuộc họp rà soát, tháo gỡ vướng mắc khó khăn trong công tác KCB BHYT.

Nhiều BV khó khăn trong việc quyết toán BHYT

DUY TÍNH

Bên cạnh đó, năm 2021, 2022, do các bệnh viện (BV) được huy động tập trung cho công tác thu dung, điều trị người mắc Covid-19 và do thay đổi mô hình bệnh tật, do đó Sở Y tế TP.HCM kiến nghị BCĐ giải quyết vướng mắc trong thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT có văn bản chính thức đề nghị Bộ Y tế, bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam và các Bộ có liên quan phối hợp tham mưu, trình Chính phủ về thanh toán chi phí KCB BHYT theo chi phí thực tế.

Về lâu dài, kiến nghị thành lập cơ quan, đơn vị độc lập trực thuộc Bộ Y tế để thẩm định chi phí KCB BHYT.

Giải trình cho bảo hiểm mất thời gian nhưng không đáp ứng đầy đủ, không thanh toán

Về lý do đề xuất như trên, theo Sở Y tế, hiện nay, nguồn thu KCB BHYT của các cơ sở KCB công lập ở TP.HCM khoảng 12.000 tỉ đồng/năm, chiếm khoảng 38 - 40% tổng nguồn thu của ngành y tế TP.HCM. Trong đó, đối các BV đa khoa, đặc biệt tuyến quận, huyện thì nguồn thu này chiếm tỷ lệ cao (khoảng 60 - 70%) và với lộ trình bao phủ BHYT thì tỷ lệ này càng ngày càng tăng.

Nghị định 146 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của luật BHYT có quy định: quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB theo báo cáo quyết toán năm của cơ sở KCB đã được thẩm định nhưng không vượt tổng mức thanh toán chi phí KCB gặp khó khăn khi phải giải trình BHXH về tổng mức thanh toán vì các yêu cầu giải trình quá chi tiết, mất nhiều thời gian và công sức nhưng vẫn không đáp ứng yêu cầu của BHXH. Do đó các BV không được thanh toán đầy đủ chi phí KCB đã thực chi cho người bệnh.

Cần 1 cơ quan độc lập thẩm định chi phí KCB

DUY TÍNH

Bên cạnh đó, do không có cơ quan chuyên trách và độc lập về thẩm định chi phí KCB thường gặp khó khăn, đôi khi chịu thiệt thòi do nhận định đôi lúc còn mang tính chủ quan, thiếu tính chuyên khoa của một số giám định viên thuộc cơ quan BHXH. Hệ quả là BV bị xuất toán, ảnh hưởng đến nguồn thu của các BV.

Mặt khác, hiện nay, phần lớn các BV đều có nguồn thu chính từ hoạt động KCB BHYT, trong khi giá viện phí chưa tính đúng tính đủ, nguồn thu khó bù đắp đủ so với chi phí bỏ ra. Lại càng khó khăn hơn khi các BV chậm hoặc không được thanh toán khi chi phí vượt tổng mức thanh toán (năm 2021 là 423 tỉ đồng), điều này dẫn đến nguy cơ cao nợ công kéo dài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.