(Tin Nóng) Việc hơn 7.000 lính Afghanistan do Mỹ huấn luyện và trang bị vũ khí lại để thất thủ thành phố Kunduz trước quân Taliban cuối tháng 9 một lần nữa cho thấy những thất bại của Mỹ khi huấn luyện quân đội nước ngoài, kể từ cuộc chiến Việt Nam.
Quân đội Afghanistan chuẩn bị giao chiến với quân Taliban ở ngoại ô thành phố Kunduz, phía bắc Afghanistan ngày 21.6.2015. Cuối tháng 9, quân chính phủ Afghanistan thất thủ thành phố này - Ảnh: Reuters
|
Theo Reuters ngày 5.10, quân đội nước ngoài do Mỹ huấn luyện vẫn chưa thể tự chiến đấu hiệu quả ngay trên quê hương họ. Điều này không có gì ngạc nhiên vì Washington đã có kinh nghiệm ngay tại Iraq từ năm 2014. Mỹ đã chi 25 tỉ USD huấn luyện và trang bị cho quân đội Iraq, nhưng rồi lực lượng này đã quẳng những vũ khí hiện đại cùng tháo chạy khỏi 2 thành phố chiến lược Mosul và Ramadi trước quân Nhà nước Hồi giáo (IS). Đáng buồn là chỉ 800 – 1.000 quân IS lại đánh bại được cả đội quân 30.000 lính của chính phủ Iraq.
Điều này đã từng xảy ra tại miền Nam Việt Nam năm 1975. Quân đội Việt Nam cộng hòa (VNCH) do Mỹ huấn luyện và trang bị vũ khí đã thất trận trước cuộc tổng tấn công chiến lược giải phóng miền Nam năm 1975.
Tình hình hiện nay ở Syria cũng chẳng khác gì Iraq hay Afghanistan, khi các lực lượng nổi dậy do Mỹ huấn luyện và đào tạo đã không thể chống lại được lực lượng IS, mà thậm chí một số còn gia nhập các nhóm khủng bố khác như Al Nusra, chi nhánh của al Qaeda.
Những thất bại này khiến các nhà làm luật Mỹ đau đầu với 2 câu hỏi: Vì sao điều này xảy ra, và vì sao Mỹ vẫn tiếp tục làm điều này và hy vọng có kết quả khác?
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates thì gay gắt nói quân đội Mỹ không có khả năng và không thể huấn luyện tốt như mong đợi. Nhưng các sĩ quan dự bị Mỹ lại có khả năng huấn luyện thanh niên nam nữ Mỹ trở thành các chiến binh hiệu quả chỉ trong 12 tuần.
Lý do không phải các lực lượng nước ngoài do Mỹ huấn luyện là được trang bị tồi và huấn luyện nghèo nàn, trái lại họ còn được Mỹ huấn luyện tốt và vũ trang các vũ khí hiện đại hơn hẳn đối phương. Nguyên nhân chủ yếu là quân đội nước ngoài do Mỹ huấn luyện thường không có động lực chiến đấu. Những chiến thắng trên chiến trường thường đến từ những chiến binh nam nữ sẵn sàng chết cho chính phủ mà họ tin tưởng, và tin rằng chính phủ mà họ đang chiến đấu là đang làm điều tốt nhất cho công dân nước họ.
Binh lính Iraq và VNCH trước đây không tin tưởng vào điều đó, và ở Afghanistan ngày nay cũng vậy. Những người lính này nhìn thấy chính phủ của họ là không hiệu quả, đầy tham nhũng và bè phái. Nói cách khác, binh lính không thấy chính phủ của họ là xứng đáng với sự hy sinh mạng sống của họ.
Lính VNCH đang tham gia huấn luyện sử dụng pháo của Mỹ trong chương trình “Việt Nam hóa chiến tranh” - Ảnh: Quân đội Mỹ
|
Tuy biết điều đó nhưng vì sao Mỹ vẫn tiếp tục huấn luyện quân đội nước ngoài? Câu trả lời rất đơn giản: Washington làm điều này để có thể né tránh các cuộc xung đột mà họ không bao giờ tham gia vào lúc ban đầu, và sau đó có thể giả vờ rằng Mỹ đã đạt được mục tiêu của mình.
Ở miền Nam Việt Nam, sau cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, Mỹ đã nhận thấy khó đạt được mục tiêu chiến thắng và bắt đầu tìm cách rút dần khỏi chiến trường Việt Nam. Thay vào đó Mỹ chuyển lại việc chiến đấu cho quân đội VNCH được Mỹ huấn luyện, gọi là chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”.
Năm 1973, chính quyền Nixon ký Hiệp định Paris, rút quân Mỹ khỏi miền Nam Việt Nam và hy vọng quân đội VNCH đủ mạnh để thay thế Mỹ, tuy nhiên đó chỉ là trên giấy tờ. Nixon tuyên bố việc ký Hiệp định Paris là “hòa bình trong danh dự”.
Nhưng khi cuộc tổng tấn công chiến lược giải phóng miền Nam diễn ra từ tháng 3.1975, quân đội VNCH sụp đổ nhanh đến mức cả Mỹ và quân ta cũng ngạc nhiên. Đó là do cách chỉ huy yếu kém, tinh thần binh sĩ không có lửa và một số còn hy vọng Mỹ sẽ quay lại để giúp đỡ.
Tại Iraq, Mỹ đã tốn nhiều thời gian huấn luyện binh sĩ mới của nước này sau khi tiến hành xâm chiếm Iraq. Tổng thống Mỹ George W. Bush từng tuyên bố “Khi người Iraq đứng lên, chúng ta sẽ rút lui”. Nhưng do lực lượng khủng bố al Qaeda ở Iraq vẫn nổi lên, sau này lại có thêm IS khiến quân Mỹ không thể rút hoàn toàn khỏi nước này trong 5 năm tới. Và trong thời gian đó họ phải huấn luyện tốt cho 500.000 lính Iraq.
Quân đội Iraq diễu hành mừng thành lập lực lượng pháo binh ở thủ đô Baghdad ngày 1.10.2014. Trong năm đó quân đội Iraq liên tục thua trận trước lực lượng IS - Ảnh: Reuters
|
Afghanistan cũng trong tình huống tương tự. Sau khi tấn công đánh đổ chế độ Taliban, Mỹ định tạo nên một chính phủ Afghanistan độc lập, vững vàng và huấn luyện cho quân đội và lực lượng an ninh nước này đủ sức chống lại Taliban giờ đây đang tập hợp ở Pakistan. Nhưng sau khi tăng cường quân Mỹ ngay từ năm đầu nhiệm kỳ, đến nay Tổng thống Mỹ Barack Obama đặt ra thời hạn rút quân Mỹ và phải đào tạo cho được quân đội Afghanistan đủ sức chiến đấu, với 300.000 người.
Nhưng lực lượng Afghanistan dù được Mỹ huấn luyện tốt vẫn không thể giữ được lãnh thổ trước Taliban. Mặc dù người Afghanistan đã có tiếng là chiến đấu ngoan cường trong nhiều thế kỷ, họ vẫn không thể giành chiến thắng bởi vì lực lượng an ninh Afghanistan do Mỹ huấn luyện lại có tỉ lệ đào ngũ rất cao. Ngoài ra, nhiều sĩ quan trung thành với bộ tộc hoặc giáo phái của họ hơn so với chính phủ trung ương, mà họ cho là tham nhũng và không hiệu quả.
Người hoài nghi mạnh mẽ về khả năng Mỹ huấn luyện thành công cho quân đội nước ngoài chính là Barack Obama, người đã chống lại nhiều lời yêu cầu duy trì hàng chục ngàn lính Mỹ ở Iraq và Afghanistan vô thời hạn. Việc tạo ra và trang bị vũ khí cho lực lượng nổi dậy Syria, như ông Obama đã nhấn mạnh, là điều không tưởng.
Anh Sơn
>> Các máy bay Nga đến Syria như thế nào?
>> Hàng rào điện tử McNamara trong chiến tranh VN điều hành thế nào?
>> Lạc đà Afghanistan đá lính Mỹ té nhào
>> 20 năm cuộc đào thoát của phi hành đoàn Nga khỏi tay Taliban
>> Ngôi làng Beallsville và ký ức ám ảnh về chiến tranh Việt Nam
>> 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Ngày ấy, bây giờ
Bình luận (0)