Vì sao nên thay đổi cách thưởng thức thiên nhiên?

Tuấn Duy
Tuấn Duy
02/11/2024 06:31 GMT+7

Trong Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường (Omega+ Books và NXB Hội Nhà văn ấn hành), tác giả Đặng Hoàng Giang phơi bày hiện trạng "sống vội" của kỷ nguyên hiện đại, từ đó kêu gọi độc giả cảm nhận thiên nhiên một cách chậm lại và chân thật hơn.

Chuyện không của riêng ai

Từ trước đến nay nhắc đến thiên nhiên, đa phần nhiều người vẫn hay nghĩ đến những quang cảnh đẹp nức lòng thay vì những nơi hoang vu, thiếu dấu chân người. Trong xã hội hiện đại với sự phát triển của mạng xã hội và các thiết bị công nghệ cao, thì "tầm nhìn" càng bị giới hạn trong những cảnh trí ai cũng biết đến hoặc thu hút nhiều sự quan tâm. Chúng ta muốn đến những nơi mà người khác đăng trên mạng xã hội, chúng ta mắc chứng FOMO khi sợ lỡ mất một điều gì đó, chúng ta du lịch nhưng không trải nghiệm mà là chứng minh bản thân qua các bức ảnh... từ đó dẫn đến trải nghiệm về thiên nhiên của con người hiện đại bị quy giản, đồng nhất, thiếu sự đa dạng.

Vì sao nên thay đổi cách thưởng thức thiên nhiên?- Ảnh 1.

Bìa sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường

ẢNH: OMEGA+ Books cung cấp

Nhận thấy điều đó, qua tác phẩm mới được ấn hành, tác giả Đặng Hoàng Giang đi sâu vào những quan điểm đối với thiên nhiên của con người ở nhiều thời đại cũng như không gian, từ đó đặt ra câu hỏi vì sao chúng ta lại cần thay đổi cách thức thưởng lãm. Ông chia sẻ có 2 lý do khiến mình viết nên Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường, một là muốn có thời gian tạm nghỉ sau nhiều năm làm việc với các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần. Và hai là bởi cũng như những người lớn lên bên trong thành phố, ông và nhiều người đã mất kết nối một cách nghiêm trọng đối với thiên nhiên. Từ chính trải nghiệm của bản thân mình, đây là tác phẩm thức thời cũng như cần thiết cho bất cứ ai, để từ tỉnh thức chuyển sang thấu hiểu cũng như chung tay bảo vệ thiên nhiên.

Với 5 cuốn sách đã bán ra hơn một phần tư triệu bản, các chủ đề của ông dù khá khốc liệt khi đi sâu vào các trạng thái tâm lý phức tạp như trầm cảm, sang chấn, tổn thương ấu thơ, trải nghiệm cận tử... nhưng bằng cách viết đơn giản, khúc chiết và dễ tiếp cận, lượng độc giả đón chờ tác phẩm của Đặng Hoàng Giang trong những năm qua không ngừng tăng lên. Giữ nguyên điều đó, ở tác phẩm này, thay vì viết như một cuốn tiểu luận có nhiều suy tư, ông đã khéo léo để 2 nhân vật là Tò Mò - đại diện cho sự u minh của chính chúng ta cũng như Suy Ngẫm - người đã tỉnh thức và được khai sáng trong vấn đề này, dẫn dắt câu chuyện bằng sự hài hước, giúp cho tác phẩm trở nên sinh động mà không giáo điều hay rao giảng.

Không dừng ở đó, tác phẩm cũng trở nên thú vị bởi sự tổng hợp các nguồn thông tin theo cả chiều dọc cũng như chiều ngang. Theo chiều thời gian ông đã lẫy ra những điểm chính yếu về sự thay đổi của nghệ thuật thị giác, của mỹ học, của công nghệ nghe nhìn... ở cả phương Đông cũng như phương Tây để ta thấy được những sự thay đổi trong cách con người thưởng thức thiên nhiên. Còn với chiều ngang ông đã đi sâu vào nhiều đề tài, từ khảo sát cách cảm nhận trong hội họa, văn học, thi ca… cho đến áp chúng vào nhiều đối tượng như động vật, thực vật, thời tiết... Các chi tiết này đều được chắt lọc một cách tinh gọn để thật gần gũi với độc giả đại chúng, không chỉ giúp cho cuốn sách dễ theo dõi mà các thông điệp mong muốn truyền tải cũng đi xa hơn.

Làm sao để "nhìn" khác đi ?

Ở đầu tác phẩm, hiện thực đáng buồn của kỷ nguyên hiện đại được nhắc đến, rằng thay vì đến với thiên nhiên thì chúng ta chỉ đang "shopping thắng cảnh". Ông cũng chỉ ra một sự đổi chủ thể khi thay vì ngắm nhìn cảnh quang thì ta chỉ đang nhìn ngắm chính mình trong các tấm ảnh selfie và bị cuốn vào cơn lốc truyền thông. Việc biến mình thành trọng tâm này cũng kéo theo sự bóp méo tự nhiên qua các thiết bị như kính Claude thế kỷ 17 hay là bộ lọc Instagram ở thời đại ngày nay… Trong chương này, ông cũng nhắc đến cách con người thay đổi thiên nhiên, từ đơn giản là sự chuyển biến những quan điểm thẩm mỹ cá nhân qua các thời kỳ đến phức tạp hơn, khi con người đối xử một cách tàn bạo với các loài vật chỉ để thỏa mãn cái tôi của bản thân, như lai tạo cận huyết thú cưng hay đối xử tàn bạo trong kinh doanh, thương mại…

Vì sao nên thay đổi cách thưởng thức thiên nhiên?- Ảnh 2.

Tác giả Đặng Hoàng Giang

ẢNH: NVCC

Vậy phải làm sao để mỹ cảm thiên nhiên giàu có hơn hay cảm thụ thiên nhiên được sâu sắc hơn? Bằng các lý thuyết của nhiều học giả nổi tiếng, ông đã đưa ra các gợi ý như nên bổ sung kiến thức khoa học để có thể giao tiếp với các đối tượng bằng một kỳ vọng đúng đắn cũng như nhận ra cái đẹp công năng mà tạo hóa đã tạo ra chúng. Ngoài ra nhận thức, cảm nhận giác quan cũng nên không ngừng được rèn luyện thêm qua việc hòa mình vào tự nhiên, qua việc không ngừng liên tưởng, hình dung, tưởng tượng hoặc đặt bản thân vào chính vật thể... Khi làm được những điều đó ta sẽ có thể rung động trước tự nhiên.

Chẳng hạn trước một con báo săn mồi, vẻ đẹp của loài vật này sẽ được nhân lên nếu ta biết rõ cấu tạo giải phẫu hỗ trợ ra sao trong việc biến nó thành một trong những sinh vật nhanh nhất hành tinh. Hay ngay khoảnh khắc con mồi thở những hơi cuối cũng có vẻ đẹp, bởi tuy gắn với cái chết và sự tàn suy nhưng đó là quy luật không thể tránh khỏi của lưới thức ăn và đời sống động vật. Dù có phải mỹ học tích cực hay không nhưng nếu gia tăng kiến thức cũng như cảm nhận của mỗi cá nhân, thì mọi thứ trên cuộc đời này đều có những vẻ đẹp riêng, quan trọng là ta có nhìn thấy không.

Ở phần cuối cùng Đặng Hoàng Giang khảo sát rất nhiều vẻ đẹp ta thường bỏ qua, cho là tầm thường, từ vô hình như âm cảnh, hương cảnh cho đến hữu hình như các sinh vật điển hình, từ nhện, chuồn chuồn, sự di cư, các hiện tượng thời tiết hay rừng nguyên sinh... Có thể nói Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường là tác phẩm cần thiết cho bất cứ ai, để từ mục tiêu nhỏ nhoi là nhận ra được vẻ đẹp quanh mình thì những thông điệp như quý trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường sẽ được truyền thừa và lan tỏa hơn.

TS Đặng Hoàng Giang là nhà hoạt động xã hội và tác giả phi hư cấu, viết về các chủ đề mà xã hội đương đại quan tâm. Ông tiên phong trong các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về sức khỏe tinh thần, phá bỏ định kiến và kỳ thị. Các tác phẩm của ông khi được ra mắt đều nhận được sự đón nhận nồng nhiệt, như Bức xúc không làm ta vô can, Điểm đến cuộc đời, Đại dương đen...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.