TNO

Vì sao Nga dùng ‘sát thủ tàu sân bay’ Tu-22M3 để đánh IS ở Syria?

09/08/2016 17:43 GMT+7

(Tin Nóng) Sáu oanh tạc cơ siêu thanh Tu-22M3, được phương Tây mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” đã dội bom IS ở Palmyra (Syria) sáng 8.8. Vì sao Nga phải dùng đến vũ khí chiến lược này liên tục gần đây?

(Tin Nóng) Sáu oanh tạc cơ siêu thanh Tu-22M3, được phương Tây mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” đã dội bom IS ở Palmyra (Syria) sáng 8.8. Vì sao Nga phải dùng đến vũ khí chiến lược này liên tục gần đây?

Oanh tạc cơ Tu-22M3 dội bom xuống quân IS ở Syria ngày 8.8.2016

Theo Daily Star (Anh) ngày 8.8, Tổng thống Nga Vladimir Putin lại ra lệnh giáng đòn tấn công mạnh mẽ bằng máy bay ném bom tầm xa xuống quân IS ở Syria. Đợt dội bom rải thảm này diễn ra sau khi IS tung clip đe doạ tấn công ông Putin và nước Nga mới đây. Cuộc không kích lần này của Nga sử dụng Tu-22M3, loại oanh tạc cơ siêu thanh được mệnh danh “sát thủ tàu sân bay” thời Chiến tranh lạnh vì được thiết kế ban đầu để đánh chìm các tàu chiến lớn nhất của Mỹ. Clip do Bộ Quốc phòng Nga đưa ra sau đó cho thấy uy lực của loại máy bay này khi quét sạch các căn cứ của IS khỏi mặt đất.

Trước đó, trong tháng 7, Nga tiến hành 3 đợt không kích bằng Tu-22M3 ở Syria sau vụ 1 máy bay Mi-25 trúng tên lửa gần Palmyra làm 2 phi công Nga thiệt mạng.

Và đầu tháng 8, một trực thăng vận tải Mi-8 bị bắn rơi làm 5 người Nga trên máy bay thiệt mạng gần Aleppo.

Tu-22M3 được gọi là “sát thủ tàu sân bay” thời Chiến tranh lạnh

Hãng tin Interfax ngày 8.8 dẫn lời ông Vladimir Komoedov, cựu tư lệnh hạm đội Biển Đen cho rằng việc Không quân Nga dùng đến oanh tạc cơ siêu thanh Tu-22M3 là nhằm đáp trả những hoạt động gia tăng của IS ở Palmyra. “Đó là đòn giáng trả hiệu quả của chúng ta với những kẻ dùng vũ khí chống lại nhân dân Syria", ông Komoedov nói.

Còn chủ tịch Viện nghiên cứu Trung Đông của Nga, ông Yevgeny Satanovsky thì cho rằng Palmyra tập trung nhiều đầu não của quân IS, và đây là cơ hội tập luyện của các máy bay ném bom chiến lược Nga.

Phi công huấn luyện Andrew Krasnoperov nói với hãng tin liên bang Riafan rằng dùng Tu-22M3 là rất hợp lý vì chúng bay rất cao, ngoài tầm bắn của tên lửa vác vai mà quân khủng bố có nhiều từ chiến lợi phẩm trong các kho vũ khí của Syria lẫn do Mỹ cung cấp. “Các máy bay này sử dụng hệ thống ném bom chính xác để hạn chế thiệt hại cho thường dân. Nga đang tiến bộ rất xa về khoản vũ khí hiện đại, mà chúng ta có thể thấy qua cuộc thi không quân Aviadarts trong khuôn khổ cuộc thi ARMY 2016 là rõ”.

Phi công Krasnoperov cho biết mỗi chiếc Tu-22M3 có thể quét sạch một khu căn cứ rộng lớn của IS vì nó chứa đến 24 tấn bom trong bụng.

Bom rơi ra từ khoang máy bay Tu-22M3

Báo Kommersant nhận xét sau mỗi lần phiến quân gây thiệt hại cho lực lượng Nga ở Syria là Nga giáng trả bằng đòn không kích dữ dội. Sau khi máy bay Mi-8 của Nga bị bắn rơi làm chết 5 người vào ngày 1.8, báo Kommersant dẫn nhiều nguồn tin cho rằng quân đội Nga sẽ cho máy bay ném bom chiến lược đánh trả ở Aleppo, nhưng quyết định sau cùng phải chờ lệnh của Bộ Tổng tham mưu. Và chỉ sau 1 tuần, đợt không kích đầu tiên của Tu-22M3 trong tháng 8 đã bắt đầu.

Hồi tháng 7, các máy bay Tu-22M3 của Nga đã 3 lần dội bom xuống quân khủng bố ở Syria vào các ngày 12, 14 và 21, sau khi 1 trực thăng Mi-25 của Nga bị bắn rơi gần Palmyra. Mỗi lần oanh kích luôn có 6 chiếc Tu-22M3, và được các chiến đấu cơ bay theo bảo vệ.

Oanh tạc cơ siêu thanh Tu-22 được tổng công trình sư Tupolev thiết kế năm 1975, đi vào sản xuất năm 1978. Qua nhiều lần cải tiến, loại mới nhất là Tu-22M3 loại cánh cụp cánh xoè xuất hiện tháng 3.1989.

Loại máy bay ném bom này dài 42,4 m, sải cánh vươn ra tối đa 34,2 m, tổ lái 4 người, tốc độ tối đa 2.300 km/giờ, trần bay 14 km, tầm bay 7.000 km, bán kính chiến đấu 2.200 km tính từ sân bay chính. Mỗi chiếc chở tối đa 24 tấn bom, gồm 70 quả bom FAB-250 (250 kg) hoặc 8 quả bom FAB-1500 (1,5 tấn).

Loại oanh tạc cơ siêu thanh này được mệnh danh “sát thủ tàu sân bay” thời Chiến tranh lạnh vì được thiết kế ban đầu để đánh chìm các tàu chiến lớn nhất của Mỹ.

Tu-22M3, oanh tạc cơ siêu thanh cánh cụp cánh xoè

Tu-22M3 từng tham gia cuộc chiến ở Afghanistan, và ở Gruzia tháng 8.2008. Khi đó một chiếc Tu-22M3 bị phòng không Gruzia bắn rơi.

Tu-22M3 chính thức tham chiến ở Syria từ ngày 17.11.2015 khi bay cùng các máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS và Tu-160 dội bom IS.

Người ta cho rằng các chiếc Tu-22M3 ném bom IS cất cánh từ căn cứ Mozdok ở cộng hoà bắc Ossetia - Alania, miền nam Nga (cách Moscow khoảng 1.700 km về phía nam) và bay qua biển Caspi, qua không phận Iran và Iraq. Hiện Tu-22M3 đóng vai trò máy bay ném bom chiến lược tầm xa của Nga, còn Tu-95 và Tu-160 lần lượt đưa vào nhà máy nâng cấp, dự kiến đến năm 2018 các chiếc Tu-160 hiện đại hoá mới chính thức trực chiến.

Xem Tu-22M3 cất cánh trong đêm bay sang Syria ném bom IS ngày 8.8.2016 (Bộ Quốc phòng Nga):

 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.