Ngày 5.8, 50 luật sư (LS) bắt đầu tham gia phần xét hỏi đối với 36 bị cáo và hơn 160 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ đại án Phạm Công Danh cùng đồng phạm.
LS Phan Trung Hoài, đại diện cho nhóm 4 LS bào chữa cho bị cáo Danh, đưa ra nhiều câu hỏi đối với đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tại phiên tòa.
Đối với câu hỏi của LS Hoài về nguyên nhân đấn đến Ngân hàng TMCP Đại Tín (năm 2013 đổi tên thành VNCB) thua lỗ, đại diện cho NHNN cho biết theo kết luận của thanh tra NHNN thì do bà Hứa Thị Phấn (đại diện nhóm cổ đông cũ) đã thao túng hoạt động của ngân hàng và nhóm Phương Trang chây ì không tất toán các hợp đồng tín dụng vay tại đây.
Về lý do mua lại VNCB với giá 0 đồng, đại diện NHNN cho rằng, sau khi kiểm toán ngân hàng VNCB thua lỗ nặng mà không có nhà đầu tư nào đầu tư vào, NHNN quyết định mua lại với giá 0 đồng.
Ông Thanh nhập viện, bà Bích không thể ra tòa
Mối quan hệ giữa ông Danh, VNCB và nhóm bà Trần Ngọc Bích, Giám đốc Công ty TNHH Tân Hiệp Phát; ông Trần Quý Thanh, Chủ tịch tập đoàn Tân Hiệp Phát, LS Hoài cũng tập trung xung quanh việc nhóm bà Bích có hay không gửi 5.190 tỉ đồng vào VNCB và việc ông Danh có chi lãi ngoài cho nhóm bà Bích trong quan hệ vay tiền giữa 2 bên.
Theo người đại diện được bà Bích ủy quyền tại tòa, ông Thanh nhập viện đột xuất nên bà Bích không thể ra tòa.
Trong hợp đồng tiền gửi 3.190 tỉ đồng của bà Bích đối với VNCB, LS nêu: Hợp đồng ghi “ông" Trần Ngọc Bích chứ không phải “bà”. LS đề nghị người đại diện ủy quyền cho bà Bích giải thích rõ.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo (người được bà Bích ủy quyền) nói điều phía bà quan tâm là đúng tên, số CMND, còn giới tính như thế nào thì không làm mất đi trách nhiệm của ngân hàng đối với khách hàng. Trách nhiệm của ngân hàng khi nhận tiền của khách hàng thì phải quản lý số tiền đó, khi ngân hàng làm sai thì ngân hàng phải chịu trách nhiệm.
|
LS hỏi: “Khi ngân hàng làm sai thì ngân hàng phải trả tiền cho ông Trần Ngọc Bích hay bà Trần Ngọc Bích?". Bà Thảo trả lời: “Căn cứ vào tên, số CMND để ngân hàng thực hiện”.
Sau khi bà Thảo trả lời, LS Phan Trung Hoài cho biết sẽ không bình luận gì về vấn đề này nhưng sẽ có ý kiến sau.
Tiếp đó, LS Hoài hỏi bị cáo Hoàng Đình Quyết về việc hợp đồng tiền gửi có nhầm lẫn giới tính người gửi. Bị cáo Quyết khai: “Hợp đồng tiền gửi này được lập không hề được hạch toán trong sổ sách ngân hàng, mà cũng không phải nhóm bà Bích yêu cầu gửi tiền đúng theo quy định mà chỉ là chứng từ lập ra cho có. Nội dung hợp đồng không chỉ sai chính tả "ông" hay "bà" mà còn sai nhiều nội dung khác”.
LS hỏi bị cáo Quyết: “Tại sao nói hợp đồng này chỉ là hình thức và việc sai này có ràng buộc trách nhiệm gì về sau của ngân hàng?”. Bị cáo Quyết trả lời: “Thời hạn sổ tiết kiệm này của bà Bích là có kỳ hạn 2 tháng chứ không phải không có kỳ hạn như bà Bích trình bày. Khi phát hành sổ tiết kiệm có kỳ hạn. Hợp đồng tiềnn gửi này chỉ là hình thức, không có giá trị bởi tiền không vào”.
Về hợp đồng tiền gửi 5.190 tỉ của nhóm bà Bích vào VNCB, bị cáo Phan Thành Mai cũng cho biết trên sổ sách, hệ thống ngân hàng cũng không hiển thị hợp đồng tiền gửi này. LS Hoài đọc môt số bút lục liên quan đến lời khai của bị cáo Mai: “Bản chất là ông Danh mượn tiền của Tân Hiệp Phát, các hợp đồng tiền gửi có số tiền 5.190 tỉ đồng do Hoàng Đình Quyết ký với Trần Ngọc Bích là có nhưng không phát sinh tiền gửi vào. Đây chỉ là biện pháp để nhóm Tân Hiệp Phát cấu kết với ông Danh để gắn trách nhiệm của ngân hàng trong việc vay mượn của ông Danh và Tân Hiệp Phát”. Sau khi LS Hoài đọc bút lục trên, bị cáo Mai khẳng định toàn bộ là lời khai của mình.
Bị cáo Mai khai, hợp đồng tiền gửi này chỉ dùng trong trường hợp ông Danh vay tiền của nhóm bà Bích nhưng nếu không trả thì nhóm bà Bích sẽ đưa hợp đồng tiền gửi này ra để ràng buộc trách nhiệm của VNCB.
Về lãi phát sinh cho khoản vay giữa ông Danh và nhóm bà Bích, Mai cũng khai tổng số tiền lãi ông Danh đã chi trả khoảng 2.500 tỉ đồng.
Ông Trần Quý Thanh phủ nhận việc cho nhân viên mượn tiền
Đại diện của ông Trần Quý Thanh tại phiên tòa phủ nhận việc ông Thanh đã cho nhân viên của mình mượn tiền để đứng tên các sổ tiết kiệm của VNCB dù trước đó, hầu như các cá nhân đứng tên sổ tiết kiệm tại VNCB và cả bà Bích đều khai nguồn tiền tại sổ tiết kiệm là do ông Thanh cho mượn.
Ngoài ra, trong những phiên tòa trước, đại diện ông Trần Qúy Thanh và bà Bích khẳng định không gặp và quen biết ông Danh nhưng sáng nay, đại diện ông Trần Quý Thanh trả lời: “Ông Thanh với tư cách là Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát nên ông Thanh gặp rất nhiều người, trong đó có thể có ông Danh”. Ngược lại, bị cáo Danh khai 2 bên thường xuyên gặp nhau tại văn phòng ông Thanh. Những buổi tiệc công ty giữa các bên thì đều mời người còn lại.
|
Bình luận (0)