Trần Văn Hùng (Q.Phú Nhuận, TP.HCM)
- Nhồi máu cơ tim cấp là do tắc động mạch vành cấp tính, đe dọa tính mạng người bệnh nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
Triệu chứng cho biết một người bị nhồi máu cơ tim cấp (chủ yếu xảy ra ở nam giới) là đau thắt ngực: vị trí đau ở sau xương ức lan lên dưới hàm và tay trái, đôi khi đau thượng vị nhầm với bệnh lý của đường tiêu hóa; đau xảy ra khi nghĩ hoặc gắng sức nhẹ; thời gian đau kéo dài trên 30 phút; đau không giảm khi nghỉ ngơi hoặc ngậm thuốc nitroglycerine.
Ngoài đau thắt ngực, còn có các triệu chứng khác như khó thở, vã mồ hôi, hồi hộp, buồn ói hoặc ói, có thể ngất. Nếu được làm một số chẩn đoán khác sẽ thấy hình ảnh điện tâm đồ thay đổi theo thời gian, có tăng men tim bởi cơ tim bị hoại tử.
Cách phòng bệnh tốt nhất là giảm căng thẳng (stress) trong cuộc sống và công việc; bỏ thuốc lá: bởi thuốc lá làm tổn thương lớp nội mạc mạch máu gây tăng đông và tắc mạch; hạn chế chất béo, tăng cường chất xơ (rau, quả...); vận động thể lực: đi bộ nhanh, thể dục thể thao ít nhất 30 phút/ngày và năm ngày trong tuần; hạn chế rượu bia: dùng liều vừa phải sẽ tốt cho hệ tim mạch, cụ thể rượu mạnh 40 ml/ngày, rượu vang 150ml/ngày hoặc bia 350ml/ngày; tuân thủ chế độ điều trị, đặc biệt những bệnh nhân đã bị nhồi máu cơ tim cấp sau xuất viện phải tái khám đều đặn để nhận được sự tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa tim mạch. |
Các nguyên nhân thường gặp ở nhồi máu cơ tim người trẻ là: hút thuốc lá chiếm tỉ lệ hơn 90%, yếu tố nguy cơ gia đình (có bố mẹ, anh chị bị bệnh mạch vành), rối loạn lipid máu.
Mục tiêu của điều trị nhồi máu cơ tim cấp là tái lập dòng máu mạch vành qua chỗ tắc khi cơ tim còn sống. Vì vậy điều kiện tiên quyết là bệnh nhân nhập viện càng sớm càng tốt, đặc biệt trong sáu giờ đầu khi bị nhồi máu cơ tim cấp thì tỉ lệ thành công sẽ cao hơn.
Bệnh nhân sẽ được bác sĩ dùng các phương pháp điều trị để tái lập dòng chảy như dùng thuốc tiêu sợi huyết; dùng bóng nong, hút huyết khối và đặt giá đỡ (stent) mạch vành; mổ bắc cầu qua chỗ tắc. Điều trị các thuốc phối hợp trước và sau can thiệp.
Để phòng ngừa nhồi máu cơ tim cấp ở người trẻ, cần tầm soát các yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành: hút thuốc lá, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, thừa cân và béo phì. Nếu bị các bệnh trên phải được tư vấn và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa.
Tuổi phải tầm soát bắt đầu từ 20, cứ năm năm kiểm tra một lần.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)