Phó chủ tịch UBND xã “dứt áo ra đi”
Ông Võ Sinh, Trưởng phòng Nội vụ H.Phú Ninh - địa phương có 3 người thuộc Đề án 500 làm đơn tình nguyện “dứt áo ra đi”, cho hay: H.Phú Ninh có 40 cán bộ tham gia Đề án 500, trong đó có 3 người làm đơn xin nghỉ việc (một trường hợp là Phó chủ tịch UBND xã”. “Địa phương cũng đã có những ưu ái cho đội ngũ này như tuyển thẳng vào ngạch công chức, được bố trí công việc phù hợp với ngành học, một số trường hợp trở thành cán bộ chủ chốt ở xã. Những trường hợp xin nghỉ việc đều đã tìm được công việc phù hợp với mức lương cao hơn. Trong xu thế hiện tại thì mức lương không đáp ứng đối với những người đã lập gia đình. Đó cũng là điều bình thường. Qua kiểm tra, chúng tôi nhận thấy rằng không có chuyện cán bộ xã câu kết để tìm mọi cách chèn ép người thuộc Đề án 500 khiến những người này buộc lòng phải làm đơn xin nghỉ việc”, ông Võ Sinh nói.
Bầu chọn
Theo độc giả, cần làm gì để giữ chân nhân tài ở khu vực công?
Theo độc giả, cần làm gì để giữ chân nhân tài ở khu vực công?
Trong khi đó, nói về nguyên nhân một số người thuộc Đề án 500 xin nghỉ việc, ông Thái Văn Chương, cho rằng: “Một số người có khả năng, thấy bên ngoài có điều kiện hơn thì bỏ ra ngoài làm doanh nghiệp, một số xin chuyển địa phương”. Cũng theo ông Chương, khi tổng kết Đề án 500 cũng chưa thấy biểu hiện gì gọi là địa phương “trù dập”. Bởi trước khi triển khai đưa người về cấp xã, tỉnh cũng đã quán triệt rất kỹ từ Bí thư đến Chủ tịch xã, yêu cầu phải tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ thuộc Đề án 500.
12 người lên chức Phó chủ tịch cấp xã
Theo Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam, các chế độ chính sách của những người trong Đề án 500 đều được đãi ngộ tốt. Họ được xếp lương theo ngạch chuyên viên (01.003), hệ số 2,34, hưởng 100% lương trong thời gian tập sự. Về trợ cấp lần đầu: bằng 20 lần mức lương tối thiểu/1 người đối với xã có hệ số khu vực từ 0,5 trở lên; 17 lần mức lương tối thiểu đối với xã có hệ số phụ cấp khu vực 0,3 đến 0,4; 14 lần đối với xã có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,1 đến 0,2; các xã còn lại được hỗ trợ 10 lần.
Về trợ cấp hằng tháng trong vòng 5 năm: bằng 2 lần mức lương tối thiểu đối với các xã có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,5 trở lên; 1,7 lần mức lương tối thiểu đối với xã có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,3-0,4; 1,4 lần mức lương tối thiếu đối với các xã có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,1 đến 0,2; các xã còn lại bằng 0,1 lần mức lương tối thiểu. Tính ra, với sinh viên mới ra trường thì thu nhập cũng được khoảng trên 6 triệu đối với cán bộ ở miền núi, còn đồng bằng khoảng 5 triệu đồng/tháng.
Ông Thái Văn Chương, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền (Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam) cho hay đa số cán bộ, công chức của Đề án 500, sử dụng thành thạo các trang thiết bị văn phòng, đặc biệt máy vi tính, mạng intenrnet nên đã chủ động hướng dẫn cán bộ, công chức ở cấp xã khai thác, sử dụng phương tiện kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ chuyên môn có hiệu quả cao hơn.
“Những người thuộc Đề án 500 cũng tích cực tham gia cùng với lãnh đạo cấp xã thực hiện tốt quy chế tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân thuộc lĩnh vực phụ trách; trực tiếp tham mưu hòa giải thành công một số vụ việc tranh chấp trên địa bàn, vận động nhân dân dân thực hiện tốt công tác di dân tái định cư, sinh đẻ có kế hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất… bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội của địa phương và được cấp ủy, chính quyền, nhân dân ghi nhận”, ông Thái Văn Chương nói thêm.
Theo Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam, đến nay Ban điều hành Đề án 500 đã tổ chức xét tuyển 4 khoá với tổng số 519 học viên (trong đó có 16 học viên được UBND H.Phú Ninh, và UBND H.Núi Thành đề nghị tăng thêm và thực hiện chi trả các chế độ, chính sách cho học viên khi tham gia Đề án 500). Hiện có 286 học viên Đề án 500 được kết nạp đảng sau khi ra trường về công tác tại địa phương, nâng tổng số đảng viên của Đề án 500 từ 73 lên 371 đảng viên.
Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam cũng đã bố trí 41/519 học viên vào chức danh cán bộ; 469/519 học viên được bố trí vào các chức danh công chức, 9/519 học viên bố trí vào chức danh những người hoạt động không chuyên trách. Đặc biệt, tại Đại hội Đảng bộ cấp xã, nhiệm kỳ 2015-2016 đã có 41 người được tín nhiệm bầu vào cấp ủy; 42 người được nhân dân địa phương bầu cử vào HĐND cấp xã (nhiệm kỳ 2016-2021) và HĐND cấp xã bầu giữ chức danh Phó chủ tịch UBND 12 người.
Ông Thái Văn Chương khẳng định, nếu những ai hết mình vì công việc, muốn được cống hiến cho quê hương, thực tài thì chuyện lên chức là bình thường.
Có so bì về chế độ, chính sách đãi ngộ cán bộ Đề án 500
Theo Sở Nội vụ tỉnh Quảng Nam, cán bộ Đề án 500 tuổi đời còn trẻ, được đào tạo cơ bản, nhưng chưa trải nghiệm qua thực tiễn cho nên khi tiếp cận nhiệm vụ được giao bước đầu gặp khó khăn, trở ngại, rụt rè, lúng túng trong công việc, thiếu tính chủ động, chưa mạnh dạn đề xuất, tham mưu các giải pháp theo nhiệm vụ, công việc đảm nhận. Một bộ phận cán bộ, công chức cấp xã chưa nhận thức đầy đủ về Đề án 500 nên có sự so bì về chế độ, chính sách đãi ngộ của cán bộ Đề án 500 với người đã công tác lâu năm hoặc có cùng trình độ chuyên môn tại cấp xã. Vì vậy, trong quan hệ, phối hợp công tác thiếu sự quan tâm giúp đỡ, hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm của cán bộ, công chức công tác lâu năm với cán bộ Đề án 500.
Sở Nội vụ Quảng Nam cũng chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập khi nhiều nơi xuất hiện chuyện phân công công tác cho cán bộ của Đề án 500 không đúng với chuyên môn được đào tạo, một số người bố trí vào chức danh hoạt động không chuyên trách gây nên sự dao động về tư tưởng, không yên tâm công tác. Đặc biệt, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị cần thiết, điều kiện làm việc của địa phương còn nhiều hạn chế, khó khăn cho nên một số địa phương chưa quan tâm đúng mức về chỗ ăn, ở, làm việc và phương tiện phục vụ công tác đã ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chuyên môn, hiệu quả công việc của cán bộ Đề án 500…
|
Bình luận (0)