Sân Mỹ Đình còn thua sân tập
Sau trận tuyển Việt Nam gặp Úc tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 cách đây một tuần, Sân vận động quốc gia Mỹ Đình bị nhận những lời chỉ trích khá gay gắt không chỉ từ giới truyền thông Úc mà còn của chính dư luận trong nước. Mỗi người đưa ra góc độ và cảm quan khác nhau nhưng hầu như đều có chung nhận xét: “Sân Mỹ Đình chưa thực sự xứng đáng là sân vận động quốc gia, chưa xứng với tầm vóc sự kiện mà bóng đá Việt Nam lần đầu tiên có mặt”. Cựu HLV đội tuyển nữ Việt Nam Steve Darby còn chê bai với mặt sân không đảm bảo, tuyển Việt Nam không phô diễn được kỹ thuật và việc thực hiện chiến thuật, đấu pháp cũng gặp nhiều khó khăn.
Với chi phí xây dựng vào khoảng gần 53 triệu USD (hơn 1.200 tỉ đồng) và đưa vào sử dụng năm 2003 phục vụ SEA Games 22, Khu liên hợp thể thao quốc gia, trong đó công trình quan trọng nhất là sân Mỹ Đình, tuy cũng đã có một số thời điểm được duy tu, cải tạo nhưng chất lượng chưa được như kỳ vọng. Đặc biệt là mặt sân rất tệ, sau lần trồng lại cỏ năm 2010 đến nay đã 11 năm rồi vẫn chưa được thay mới, trong khi nhiều sân bóng độ bền của cỏ chỉ có thể tồn tại 4 - 6 năm. Cho dù Khu liên hợp Mỹ Đình nói rằng đã chăm sóc cỏ thường xuyên để có thể vẫn xanh và đẹp nhưng mặt sân dưới lớp cỏ lại không tốt lắm khiến độ mịn và chắc của mặt sân không tốt, cầu thủ dễ bị chấn thương vì có chỗ lõm xuống, có chỗ lại mấp mô. Mặt sân bị mềm, xốp nên khi gặp trời mưa, lúc cầu thủ khởi động, đất bị bung lên.
Một thành viên đội tuyển Việt Nam chia sẻ, nếu so sánh với mặt sân của Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam thuộc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) - nơi đội tập luyện hằng ngày thì mặt sân Mỹ Đình không chất lượng bằng. Mặt sân của trung tâm có độ cứng phù hợp nên không bị rơi vào tình trạng bong tróc khi gặp thời tiết xấu.
Mặt sân xấu do quản lý kém
Không riêng mặt sân Mỹ Đình kém chất lượng, nhiều mặt sân bóng khác trong cả nước như: sân Vinh, sân Hải Phòng, sân Thanh Hóa... trước đây cũng rơi vào tình trạng tương tự. Mỗi khi V-League diễn ra, người hâm mộ thấy mặt cỏ ở nhiều sân này tệ như bãi ruộng, có sân nhìn khô cằn như mới trải qua cơn hạn hán. Có điều tréo ngoe khi điểm chung của các sân này là muốn bóc cỏ và phủ lại mặt sân mới thì rất nhiều công đoạn, phải bóc nhiều đoạn của đường piste bên ngoài lên mới thực hiện được vì hai công trình này có kết cấu kỹ thuật liên thông nhau. Có sân như Mỹ Đình vừa mới làm đường piste tốn hàng đống tiền, không thể bóc lên phục vụ việc phủ cỏ mặt sân, đụng vào mặt sân như đụng vào bức tường, khó có thể đập phá. Chính vì vậy, Ban Quản lý Khu liên hợp Mỹ Đình luôn cho rằng chỉ cải tạo bằng cách bón phân, nhổ rễ cỏ già, lu sân, rắc cát vào những khu vực hỏng hóc.
|
Đó chính là thực trạng của nhiều sân cỏ ở Việt Nam khiến nhiều nơi ngại làm lại mặt sân vì sợ đụng đến những công trình phụ khác, nhưng cốt yếu vẫn là thiếu tiền và chưa thực sự quyết tâm thay đổi, cải tạo, thậm chí làm mới thường xuyên để gìn giữ bộ mặt của chính mình. Có vẻ như rào cản từ chỗ xin ngân sách và cũng do cách quản lý yếu kém mới là nguyên nhân chính làm cho nhiều sân bóng với mặt sân tệ hại cứ tồn tại hết ngày này qua tháng khác. Sự thiếu năng động, thờ ơ, chỉ thích làm theo kiểu đối phó của những người có trách nhiệm với sân bóng và không mạnh dạn chủ trương xã hội hóa một cách đúng đắn đã làm cho nhiều mặt sân cỏ Việt Nam ngày càng xuống cấp, làm mất niềm tin nơi người hâm mộ. (Còn tiếp).
Hầu hết sân bóng ở Việt Nam hiện nay đều sống nhờ bầu sữa ngân sách nên đa phần các sân đều rất cũ kỹ, xuống cấp. Nói như lãnh đạo một CLB hạng nhất thì tiền nuôi đội còn “giật gấu vá vai” thì việc cải tạo mặt sân vẫn là điều xa xỉ. Không phải CLB nào cũng có may mắn như Bà Rịa-Vũng Tàu được làm mới hoàn toàn sân Bà Rịa với mặt cỏ đẹp như Ngoại hạng Anh hay sân Thống Nhất, Bình Dương hoặc mới đây là sân Quy Nhơn. Bởi mấu chốt các mặt sân được làm mới thường xuyên và chăm sóc tốt này là có bàn tay của các ông bầu, những người sẵn sàng hết lòng vì bộ mặt CLB, xem mặt sân cũng là bộ mặt của chính mình, không để mất thể diện được. Quốc Việt
|
Bình luận (0)