Vì sao số người mắc và tử vong do sốt xuất huyết gia tăng?

Duy Tính
Duy Tính
11/05/2019 13:46 GMT+7

Bệnh sốt xuất huyết có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ngày 11.5, UBND TP.HCM đã phát động chiến dịch hưởng ứng “Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết lần thứ 9” tại Công viên Đồng Phú (Q.6).

Tại lễ phát động, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết năm 2018 tại TP.HCM có 28.000 người mắc sốt xuất huyết nhập viện và 10 người tử vong. Chỉ tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2019, TP đã có gần 20.758 người mắc sốt xuất huyết và 3 người tử vong.

“Bệnh sốt xuất huyết lây truyền qua trung gian muỗi vằn - loại muỗi lưu hành tại vùng nhiệt đới và gắn liền với đời sống dân cư đô thị. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cũng ảnh hưởng biến đổi khí hậu, càng làm cho bệnh sốt xuất huyến trở nên gánh nặng cho sức khỏe, cũng như như kinh tế của nhiều quốc gia. Chính vì vậy mà việc phòng sốt xuất huyết luôn là mối quan tâm hàng đầu của chính quyền, của ngành y tế và mọi tầng lớp nhân dân”, bác sĩ Hưng nói.

Theo bác sĩ Hưng, cho đến nay vắc xin phòng sốt xuất huyết chỉ mới thử nghiệm tại một số ít quốc gia. Do vậy, biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là chủ động diệt lăng quăng ngay tại chính nơi ở, nơi làm việc của mỗi người, mỗi nhà, môi cơ quan, đơn vị. Điều này đòi hỏi ý thức tự giác của mọi người, mọi thành phần trong xã hội.

Bên cạnh sự tham gia tích cực của nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức, cũng còn một bộ phận chưa tích cực tham gia hoặc tham gia chưa đồng bộ giữa các thành phần trong xã hội. Đây chính là thách thức với hoạt động phòng chống sốt xuất huyết của Việt Nam và nhiều quốc gia khác.

“Hằng năm TP.HCM đều phát động chiến dịch hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết trong tháng 5 và tháng 6. Chiến dịch nhằm kêu gọi mọi người chung tay loại bỏ, xử lý các vật chứa có thể chứa nước làm nguồn sinh sản cho muỗi khi mùa mưa đến, xử lý các điểm nguy cơ, giảm nguồn muỗi sinh sản trên toàn TP, trong mỗi gia đình và từng điểm nguy cơ, duy trì tính bền vững của hoạt động phòng chống sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng”, bác sĩ Hưng cho biết thêm.

Bên cạnh truyền thông, vận động và hành động phòng chống sốt xuất huyết, lãnh đạo ngành y tế TP đề nghị các quận huyện tăng cường xử phạt vi phạm phòng chống dịch bệnh theo luật Phòng chống Bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Nghị định 176/2013 Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, áp dụng trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Trong những năm qua, bệnh sốt xuất huyết vẫn còn là một gánh nặng sức khỏe không chỉ của người dân TP.HCM nói riêng mà còn là vấn đề sức khỏe của nhân dân ở khu vực Đông Nam Á (khối ASEAN) nói chung. 

Năm 2010, cuộc họp lần thứ 10 Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN đã đồng thuận lấy ngày 15.6 hằng năm là “Ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết”.

Đây là một sự kiện vận động xã hội được tổ chức định kỳ hằng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bệnh sốt xuất huyết, huy động các nguồn lực của cộng đồng để dự phòng và kiểm soát bệnh, thể hiện sự quyết tâm của khu vực trong giải quyết những thách thức trong phòng chống sốt xuất huyết.

Sự kiện này được các quốc gia ASEAN hưởng ứng rất tích cực.

9 thông điệp truyền thông phòng chống sốt xuất huyết 

1.  Diệt lăng quăng là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh sốt xuất huyết
2.  Không lăng quăng, không muỗi, không sốt xuất huyết
3.  Đậy kín lu, hồ, phuy chứa nước khi không dùng đến
4.  Diệt lăng quăng và diệt muỗi tại chính ngôi nhà của mình
5.  Lật úp các xô, lọ, chai... khi không dùng đến
6.  Hằng tuần thay nước trong lọ hoa để tránh lăng quăng
7.  Dọn dẹp vật phế thải và nơi đọng nước quanh nhà
8.  Giữ gìn nhà cửa thông thoáng để hạn chế nơi muỗi ẩn nấp
9.  Sử dụng bình xịt, nhang, kem chống muỗi để tránh muỗi chích
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.