Vì sao tên lửa đẩy Trung Quốc rơi mất kiểm soát?

05/05/2021 11:11 GMT+7

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc để mặc phần còn lại tên lửa đẩy Trường Chinh 5B rơi mất kiểm soát, tình trạng lẽ ra hoàn toàn có thể tránh được như các cường quốc không gian Mỹ, Nga đang áp dụng.

Giới chuyên gia đang bám sát tình hình của phần lõi tên lửa Trường Chinh 5B, sau khi nó đưa mô đun đầu tiên của trạm không gian Trung Quốc lên vũ trụ hôm 29.4 và rơi vào quỹ đạo thấp của địa cầu trong tình trạng mất kiểm soát hoàn toàn.
Theo báo The Guardian, tầng trung tâm của tên lửa có chiều dài 30 m, bề ngang 5 m, nặng 21 tấn. Vào ngày 4.5, nó đang xoay tít trên quỹ đạo quanh Trái đất mỗi 90 phút/vòng, với tốc độ 27.600 km/giờ ở độ cao trên 300 km. Quân đội Mỹ đã đặt tên cho vật thể này là 2021-035B, và cuộc hành trình bão táp của nó có thể được theo dõi qua website orbit.ing-now.com.

Lầu Năm Góc theo sát tên lửa Trung Quốc đang rơi xuống Trái Đất

Kể từ tuần trước cho đến ngày 4.5, lõi tên lửa Trường Chinh 5B đã giảm độ cao gần 80 km và các nhà quan sát nghiệp dư phát hiện nó trong tình trạng vô cùng bất ổn.
Chuyên gia Jonathan McDowell, nhà vật lý học thiên thể của Đại học Harvard (Mỹ), cảnh báo vật thể trên chuẩn bị rơi xuống địa cầu trong vài ngày nữa, và nhiều khả năng một số phần của nó sẽ không bị thiêu cháy trong quá trình tiến nhập khí quyển, và tạo ra những mảnh vỡ rải rác khắp 160 km trên mặt đất.
Để tránh tên lửa đẩy rơi xuống đầu cư dân Trái đất, các nhà sản xuất cần phải tuân thủ một trong hai điều kiện sau đây:
Đầu tiên, tên lửa cần được lắp tầng đẩy để đưa nó vào điểm đáp an toàn trên biển sau khi tiến nhập khí quyển.
Hoặc, tên lửa được trang bị hệ thống ổn định và động cơ cho phép giảm vận tốc và quay đầu tên lửa 180o để xuống vùng biển đã định.
Thế nhưng, dòng tên lửa Trường Chinh 5B hoàn toàn không được lắp đặt 2 công năng trên. “Và thế là nó cứ bị vứt trên quỹ đạo theo kiểu cũ trước khi tiến nhập khí quyển trong tình trạng không thể kiểm soát”, chuyên gia McDowell phân tích và nói thêm rằng đây là điều vô cùng bất thường trong thời đại ngày nay.
Dù vẫn chưa có luật quốc tế yêu cầu tên lửa phải được chế tạo như trên, nhưng các cơ quan không gian trên thế giới đều tuân thủ quy định bất thành văn này.
Việc Trung Quốc phớt lờ chuyện thay đổi thiết kế để tên lửa đẩy của họ an toàn hơn khi sử dụng được chuyên gia McDowell gọi là “sự vô trách nhiệm quá đáng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.