Liên tiếp phát hiện dương tính
Lý do là phía Trung Quốc phát hiện nhiều lô hàng dương tính với Covid-19. Cụ thể, từ ngày 20.11 - 27.12.2021, lô hàng thanh long mã công ty bao bì là Việt Nam-BTHPH-049 nhập khẩu từ Việt Nam về cảng TP cho kết quả dương tính 3 lần. Ngày 4.12, mã đơn vị sản xuất vườn cây ăn trái là Việt Nam-BTHOR-0007, mã đơn vị đóng gói là Việt Nam-BTHPH-001 nhập kho giám sát dây chuyền lạnh của bãi hàng Fruit City, kiểm tra có kết quả dương tính. Ngày 27.12, mã đơn vị sản xuất kinh doanh vườn cây ăn quả là Việt Nam-LAOR-0006, mã doanh nghiệp (DN) đóng gói là Việt Nam-LAPH-008 đã vào kho giám sát dây chuyền lạnh Fruit City, xét nghiệm axit nucleic dương tính. Theo cơ quan quản lý cửa khẩu của Trung Quốc, để ngăn chặn nghiêm ngặt việc kiểm soát dịch bệnh từ nước ngoài, đảm bảo cảng thông thoáng và trách nhiệm phòng chống dịch của DN theo cơ chế cầu chì, khi hàng hóa dây chuyền lạnh nhập khẩu từ nước ngoài (bao gồm cả bao bì trên xe) có kết quả xét nghiệm dương tính với axit nucleic 3 lần trở lên thì ngay lập tức sẽ tạm ngừng thông quan mặt hàng này.
Ngày 29.12, Trung tâm quản lý cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn cũng nhận được thông báo trên và xác nhận phía Trung Quốc sẽ tạm dừng nhập khẩu thanh long từ 29.12.2021 đến 24 giờ ngày 26.1.2022. Tính đến chiều 29.12, Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh cho biết tổng số xe thanh long chờ xuất trong bãi Bảo Nguyên là 462 xe, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị báo cáo số xe thanh long đã thực hiện khai báo chờ xuất là 48 xe nhưng không xác định được số lượng xe thanh long chờ xuất.
Doanh nghiệp sản xuất thanh long cần chủ động giảm sản lượng để tránh thiệt hại |
Công Hân |
Chưa dự báo được rủi ro
Ngay sau khi có thông tin thanh long bị tạm ngưng xuất khẩu qua cửa khẩu đường bộ, nhiều DN đã tìm cách chuyển hướng sang đường biển. Cả ngày hôm qua, bà Nguyễn Thùy Thuận, Giám đốc Công ty Trà Thanh Long (TP.HCM), điện thoại khắp nơi để tìm container lạnh phục vụ việc xuất khẩu đường biển nhưng gần như không có. Bà Thuận cho biết: “Nếu đi đường biển thì cước phí đội lên 30 - 40 triệu đồng/container, đẩy giá thành lên gần 40%. Trong khi giá bán ở thị trường Trung Quốc không cố định, biến động từng ngày nên rủi ro rất lớn”. Trao đổi với Thanh Niên, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định: “Việc Trung Quốc đơn phương ngừng nhập khẩu thanh long chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các DN trong nước và ảnh hưởng đến sản lượng cũng như giá bán ở thị trường nội địa”.
Theo ông Nguyên, tình hình thị trường Trung Quốc hiện tại cũng như sau Tết Nguyên đán vẫn rất khó dự đoán. Nếu nước này tiếp tục duy trì chính sách Zero Covid, tình hình gián đoạn xuất khẩu ở cửa khẩu sẽ còn tiếp diễn. Do đó, các DN xuất khẩu trái cây của Việt Nam cần cân đối lại sản lượng. Nếu đã có khách hàng, thị trường khác ngoài Trung Quốc thì nên mở rộng, còn nếu chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì phải tính toán lại, nhất là với các loại trái cây có thể tác động để sản xuất trái vụ như xoài, thanh long thì giảm bớt sản lượng từ 30 - 50% so với trước để tránh bị thiệt hại.
Một số DN khác cho biết quy định kiểm dịch có thể là cái cớ, do thanh long tại Trung Quốc cũng đang thu hoạch với sản lượng lớn nên dẫn đến việc hạn chế nhập thanh long từ Việt Nam.
Bình luận (0)