Vì sao tiêm chủng có thể phòng bệnh?

26/07/2017 07:49 GMT+7

Mỗi năm, hàng triệu liều vắc xin được tiêm cho trẻ nhỏ trên cả nước, giúp hàng triệu trẻ được bảo vệ trước các bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, vẫn còn những thắc mắc về khả năng bảo vệ cơ thể của việc chủng ngừa.

“Đánh thức” hệ miễn dịch
Theo GS-TS Nguyễn Trần Hiển, nguyên Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, vắc xin là sản phẩm sinh học dùng để tiêm chủng cho các cá thể giúp tạo ra miễn dịch chủ động bảo vệ chống lại một căn bệnh cụ thể. Mỗi vắc xin có chứa loại vi sinh vật gây bệnh, hoặc một phần của nó, và thường có hai dạng sống giảm độc lực hoặc bất hoạt (chết) của vi sinh vật, hoặc kháng nguyên độc tố hoặc một trong các protein bề mặt của nó. Vắc xin vào cơ thể tương tác với hệ thống miễn dịch và tạo ra một đáp ứng miễn dịch, nhưng không gây bệnh hoặc các biến chứng tiềm tàng cho người nhận.

Theo PGS-TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, tiêm chủng là sử dụng vắc xin để kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu chống lại một bệnh truyền nhiễm nào đó. Đến nay đã có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm có vắc xin phòng bệnh và khoảng 190 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đưa vắc xin vào sử dụng phổ cập cho người dân. Khoảng 85 - 95% người được tiêm chủng sẽ sinh ra miễn dịch đặc hiệu bảo vệ cơ thể. “Nhờ có vắc xin, hằng năm trên thế giới đã cứu sống được khoảng 2,5 triệu trẻ em mắc bệnh truyền nhiễm”, TS Dương chia sẻ.
Tiêm chủng khác với miễn dịch tự nhiên
PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết tiêm chủng là việc sử dụng vắc xin nhằm kích thích cơ thể sinh ra miễn dịch chủ động, đặc hiệu để chống lại bệnh truyền nhiễm. Hầu hết những người được tiêm chủng vắc xin sẽ có miễn dịch và được bảo vệ khi tiếp xúc với mầm bệnh. Còn miễn dịch tự nhiên chỉ có được sau khi đã mắc bệnh hoặc khi tiếp xúc với mầm bệnh. Đối với trẻ nhỏ mắc một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do không được tiêm chủng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Có những bệnh truyền nhiễm sẽ để lại di chứng suốt đời, thậm chí tử vong như bệnh bại liệt, viêm não Nhật Bản B. Vì vậy, để tránh được các căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phổ biến, trẻ cần được tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng lịch.

Dịch bùng phát nếu ngưng tiêm chủng
Năm 1995, chương trình tiêm chủng mở rộng VN được thực hiện trên toàn quốc với 6 loại vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt) và hiện đã có 12 bệnh nguy hiểm được tiêm chủng miễn phí cho trẻ dưới 5 tuổi. Hằng năm, hơn 1,6 triệu trẻ em và gần 1,7 triệu phụ nữ có thai được bảo vệ với khoảng 50 triệu mũi tiêm để phòng 12 bệnh nguy hiểm phổ biến nhất liên quan đến sự sống còn của trẻ em.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho hay, chương trình tiêm chủng giúp chúng ta thanh toán được bệnh bại liệt từ 17 năm qua, VN đã không còn một bệnh nhân bại liệt nào do vi rút bại liệt hoang dại gây nên. Trước khi có vắc xin bại liệt, đã xảy ra các vụ dịch bại liệt quy mô lớn, tỷ lệ mắc bệnh bại liệt năm 1959 lên đến 126,4/100.000 dân, nhiều tỉnh của VN hầu như xã, phường nào cũng có người bị bệnh bại liệt.

tin liên quan

Trắng đêm trong phòng mổ
'Thế giới phòng mổ' luôn là điều bí ẩn với bệnh nhân, thân nhân. Nơi ấy đã hồi sinh biết bao sinh mạng con người nhưng rất âm thầm, lặng lẽ.

Thống kê của các bệnh viện và hệ thống giám sát dịch cho thấy, nhờ tiêm chủng, nhiều bệnh truyền nhiễm gây dịch cho trẻ nhỏ cũng đã giảm nhanh số mắc, trong đó VN đã loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh (năm 2005); các bệnh như bạch hầu, ho gà, viêm não Nhật Bản, sởi đã giảm từ hàng trăm đến hàng nghìn lần so với thời kỳ trước tiêm chủng.
Tuy nhiên, các bác sĩ nhi khoa lưu ý, khi các ca bệnh trở nên “hiếm gặp” hơn thì lại khiến nhiều gia đình chủ quan, không cho con tiêm đầy đủ. Gần đây, Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội) tiếp nhận các trẻ bị ho gà, viêm não Nhật Bản B hầu hết đều chưa tiêm hoặc tiêm chủng chưa đầy đủ. “Nhiều trẻ trong đó biến chứng rất nặng, suy hô hấp, suy tạng; hôn mê thậm chí đã có ca tử vong. Đây là điều rất đáng tiếc bởi đáng ra các cháu có thể phát triển khỏe mạnh nếu tiêm chủng đầy đủ”, TS-BS Trần Minh Điển, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, chia sẻ.
“Chúng ta chỉ có thể ngừng tiêm chủng vắc xin khi toàn cầu thanh toán hoàn toàn bệnh truyền nhiễm như đã thanh toán bệnh đậu mùa trên toàn cầu. Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả nhất. Vì vậy, các bậc cha mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch tại các trạm y tế xã, phường trên toàn quốc. Dịch sẽ bùng phát trở lại nếu lơ là tiêm chủng”, TS Dương Thị Hồng khuyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.