Tọa lạc ở thành phố Strasbourg, Trường Hành chính quốc gia (ENA) là một trong những grandes écoles (trường lớn) danh giá nhất tại Pháp với sinh viên tốt nghiệp thường giữ vị trí cao trong chính quyền lẫn các tập đoàn lớn. Tại Pháp có 2 hệ thống giáo dục đại học là grandes écoles và các trường đại học công. Học sinh sau khi đỗ tú tài có thể xin vào học ở các trường công nhưng để vào grande école cần phải học thêm lớp dự bị kéo dài 2 năm, sau đó tiếp tục vượt qua kỳ thi tuyển gắt gao. Các trường lớn thường có chỉ tiêu tuyển sinh thấp và sinh viên được đảm bảo sẽ được nhận làm công chức sau khi tốt nghiệp.
Được thành lập năm 1945 dưới thời Tổng thống Charles de Gaulle ngay sau khi kết thúc Thế chiến 2, ENA có mục tiêu đào tạo thế hệ công chức có khả năng tái thiết và xây dựng đất nước. Dần dần, qua thời gian, cơ sở này trở thành biểu tượng cho “giới tinh hoa” tại Pháp vì hầu hết sinh viên ENA hiện có cha mẹ là quan chức hoặc doanh nhân.
tin liên quan
Tổng thống Macron hứa giảm thuế thu nhập như đòi hỏi của phong trào biểu tình“Chúng ta cần phải bãi bỏ ENA cùng một số nơi khác để xây dựng lên những cơ sở tốt hơn. Nếu cố giữ những cấu trúc cũ thì những thói quen sẽ rất khó bỏ. Quyết định này không hề bêu xấu ENA, tôi đã từng học ở đây và tôi nợ trường rất nhiều”, Tổng thống Emmanuel Macron nói trong cuộc họp báo về chính sách hôm 25.4 nhằm giải quyết những yêu sách của phong trào biểu tình Áo phản quang vàng. Phong trào này nổ ra từ tháng 11.2018 nhằm phản đối việc tăng giá nhiên liệu nhưng sau đó đưa ra thêm nhiều yêu sách khác về giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong xã hội, và việc đóng cửa ENA được coi là một trong những giải pháp xoa dịu của chính phủ.
Trước ông Macron, từng có 3 tổng thống Pháp học dưới mái trường ENA là Valéry Giscard d’Estaing, Jacques Chirac và Francois Hollande. Bên cạnh đó, Thủ tướng Édouard Philippe, Bộ trưởng Quốc phòng Florence Parly hay Bộ trưởng Kinh tế - Tài chính Bruno Le Maire cũng là cựu sinh viên ENA. Ngoài ra, còn hàng loạt nhân vật khác đang nắm giữ các vị trí cấp cao trong chính quyền, ngân hàng, tập đoàn lớn, tổ chức quốc tế...
Chính phủ chưa thông báo thời điểm đóng cửa ENA nhưng kế hoạch này đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Theo Reuters, một số cựu sinh viên của trường tỏ ra ủng hộ và cho rằng quyết định của Tổng thống Macron mở ra cơ hội cho sự đa dạng trong chính quyền, đồng thời tạo điều kiện phát huy cho nhân tài từ các tầng lớp thấp. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến hoài nghi đây chỉ là động thái mang tính “dân túy” và chỉ có tác dụng xoa dịu nhất thời, vừa không giải quyết được căn cơ vấn đề vừa làm mất đi một trong những biểu tượng của nền giáo dục Pháp. “Tôi nghĩ ENA bị mang ra làm vật tế thần trong tình hình chính trị xã hội phức tạp. Nếu muốn khắc phục bất bình đẳng trong hệ thống giáo dục thì không thể thành công khi chỉ cắt bỏ phần ngọn”, Chủ tịch Hội Cựu sinh viên ENA Daniel Keller nói.
Bình luận (0)