Vì sao trẻ cần tiêm phòng cúm ngay từ 6 tháng tuổi?

25/11/2024 08:00 GMT+7

Hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, đường hô hấp nhạy cảm, mỏng manh, kháng thể bảo vệ từ mẹ giảm dần là những lý do khiến trẻ mắc cúm dễ trở nặng, cần tiêm phòng sớm từ 6 tháng tuổi.

Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus cúm Infuenza gây ra, lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người khỏe mạnh thông qua dịch tiết đường hô hấp khi nói chuyện, ho, hắt hơi từ khoảng cách xa đến hơn 2m. Người mắc bệnh cúm có các biểu hiện như sốt cao 38 - 40oC, đau đầu, ho, đau họng, đau nhức xương khớp.

Thống kê cho thấy mỗi năm, cúm mùa gây ra khoảng 1 tỉ trường hợp nhiễm trùng trên toàn thế giới, lên tới 5 triệu trường hợp nặng và khiến nửa triệu trường hợp tử vong. Khoảng 10% số trường hợp nhiễm cúm theo mùa xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi, với 870.000 trường hợp phải nhập viện điều trị trên toàn cầu. Trẻ dưới 2 tuổi, có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện có nguy cơ mắc cúm cao hơn.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ ước tính từ 2010 đến 2023, số ca nhập viện liên quan đến cúm ở trẻ em dưới 5 tuổi trong mỗi mùa cúm dao động từ 6.000 đến 25.000 ca mỗi năm. Mùa cúm 2023-2024, 70% trẻ em từ 0 đến 17 tuổi nhập viện vì cúm có ít nhất một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn như hen suyễn, bệnh thần kinh, béo phì hoặc tim mạch.

Cúm gây nhiều biến chứng nguy hiểm ở trẻ nhỏ như viêm phổi, mất nước, rối loạn chức năng não bộ, viêm tai giữa, viêm xoang, nhiễm trùng huyết, suy cơ quan… và có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, trẻ có thể bị hội chứng Reye, gây sưng phù ở gan và não, thường gặp nhất ở trẻ trong độ tuổi dưới 2 tuổi. Mặc dù đây là hội chứng rất hiếm gặp nhưng có tỷ lệ tử vong rất cao.

Theo chuyên trang y khoa WebMD, virus cảm lạnh và cúm gây ra khoảng ⅓ các trường hợp viêm phổi và là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này ở trẻ em dưới 5 tuổi. Viêm phổi do virus còn làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi do vi khuẩn.

Tại Việt Nam, theo Cục Y tế dự phòng, trung bình mỗi năm có trên 800.000 người mắc cúm với nhiều độ tuổi khác nhau, trong đó trẻ từ 6 tháng tuổi là nhóm trẻ có nguy cơ cao mắc cúm. Các bệnh viện thỉnh thoảng ghi nhận các ca mắc cúm là trẻ nhỏ. Ví dụ, tháng 5.2024, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương điều trị cho một bệnh nhi (19 tháng tuổi) mắc cúm B gặp biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm khuẩn huyết phải thở oxy dòng cao. Cuối năm 2023, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An tiếp nhận bệnh nhi (35 tháng tuổi) sốt cao, ho nhiều, suy hô hấp nặng do mắc cúm A.

Trẻ tiêm vắc xin cúm phòng bệnh tại Hệ thống tiêm chủng VNVC. Ảnh: Kim Oanh

Trẻ tiêm vắc xin cúm phòng bệnh tại Hệ thống tiêm chủng VNVC

Ảnh: Kim Oanh

Giải thích nguyên nhân trẻ dễ mắc cúm ở giai đoạn từ 6 tháng tuổi, bác sĩ Bùi Công Sự, Quản lý Y khoa, Hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết trẻ em mới sinh có hệ miễn dịch khỏe mạnh và sức đề kháng tốt do nhận được lượng kháng thể thụ động từ mẹ truyền qua trong thai kỳ và nguồn sữa mẹ sau khi sinh. Điều này giúp trẻ chống lại các loại virus, vi khuẩn gây hại. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy lượng kháng thể thụ động này không tồn tại lâu dài mà bắt đầu giảm từ 3 đến 6 tháng sau sinh, hình thành "khoảng trống miễn dịch" khiến trẻ rất dễ mắc bệnh trong giai đoạn này.

Để bảo vệ trẻ trước nguy cơ mắc cúm, BS Sự khuyến cáo mẹ bầu cần tiêm vắc xin cúm trong thai kỳ và tiêm cúm cho trẻ ngay từ 6 tháng tuổi, sau đó tiêm nhắc lại hằng năm để tạo kháng thể chủ động chống lại bệnh. Đây cũng là khuyến cáo chung của các cơ quan uy tín như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), CDC Mỹ.

Vắc xin cúm bảo vệ cơ thể bằng cách kích thích hệ thống miễn dịch tạo ra kháng thể đặc hiệu để tiêu diệt các chủng virus cúm nếu cơ thể có tiếp xúc nhằm giảm khả năng mắc bệnh và các biến chứng nguy hiểm. Các thành viên trong gia đình cũng cần tiêm ngừa để bảo vệ bản thân, phòng lây nhiễm cho những người xung quanh kể cả trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi còn quá nhỏ để chủng ngừa cúm.

Tại Mỹ, nghiên cứu năm 2022 cho thấy việc tiêm phòng cúm đã giúp giảm 75% nguy cơ nhập viện chăm sóc đặc biệt ở trẻ. Một nghiên cứu khác trong mùa cúm 2018-2019 cũng chỉ ra vắc xin cúm giúp giảm 41% số ca nhập viện liên quan đến cúm và một nửa số ca đến khoa cấp cứu liên quan đến cúm ở trẻ từ 6 tháng đến 17 tuổi, giảm chi phí y tế, đảm bảo sức khỏe và nền tảng tương lai cho trẻ .

Cần tiêm phòng cúm từ sớm cho trẻ để tạo kháng thể chủ động. Ảnh: Shutterstock

Cần tiêm phòng cúm từ sớm cho trẻ để tạo kháng thể chủ động

Ảnh: Shutterstock

Hiện Việt Nam có các loại vắc xin cúm tứ giá thế hệ mới phòng ngừa 4 chủng virus gồm 2 dòng virus cúm A (A/H1N1, A/H3N2) và 2 dòng virus cúm B (Yamagata và Victoria). Trong đó, vắc xin tiểu đơn vị chỉ chứa kháng nguyên bề mặt virus với tính sinh miễn dịch tốt và ít gây phản ứng phụ sau tiêm như sốt, đau tại nơi tiêm…

Lịch tiêm vắc xin cúm như sau: Tiêm 2 liều cơ bản cách nhau 1 tháng cho trẻ từ 6 tháng đến 9 tuổi chưa từng tiêm vắc xin cúm, nhắc lại 1 liều hằng năm. Trẻ trên 9 tuổi và người lớn tiêm 1 liều và nhắc lại hằng năm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.