Là con trai một người Trung Quốc đến Singapore, thành lập doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa cách đây nửa thế kỷ, ông Teo Siong Seng cho rằng cuộc đời mình đắm chìm trong mạng lưới thương mại cổ đại của châu Á.
Vì lẽ đó, giám đốc điều hành Pacific International Lines Group đang tìm cách hưởng lợi từ tham vọng “trẻ hóa” các tuyến đường tơ lụa mới đến Trung Đông và châu Âu của Trung Quốc. Ông Teo đang lập liên doanh với China Cosco Shipping, doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc, nhằm giúp hãng vận tải lớn nhất Đại lục xây dựng liên kết trong khu vực Đông Nam Á và xa hơn nữa.
“Chỉ các công ty Trung Quốc thôi thì có thể không đủ kinh nghiệm để đi đầu tư ở các nước khác. Hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp như chúng tôi sẽ làm hoạt động của họ mượt mà hơn. Họ phải học cách chúng tôi ứng xử với người dân địa phương và cách chúng tôi làm ăn”, ông Teo, người cũng là Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore cho hay.
Công ty của ông Teo nhấn mạnh tiềm năng cửa ngõ vào Đông Nam Á của Singapore trong mắt Đại lục. Số lượng doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký tại Singapore tăng gần gấp đôi trong 5 năm qua, đến hơn 7.500 doanh nghiệp.
Am hiểu khu vực và thế giới
|
Khai thác đảo quốc Singapore có thể giúp các hãng Đại lục chuyển hướng khỏi những khu vực có tình hình chính trị phức tạp. Làm thế này cũng giúp họ tránh nhiều cạm bẫy từ các khoản đầu tư trước đây ở châu Phi và Nam Mỹ, nơi Trung quốc từng bị chỉ trích vì cách tiếp cận “nặng tay”, đơn cử như việc khăng khăng đòi doanh nghiệp và người lao động của họ thực hiện phần lớn hợp đồng.
“Từ toàn bộ những thất bại đó, Trung Quốc đã học được rằng họ cần một nhà môi giới địa phương. Doanh nghiệp Đại lục cho rằng các công ty Singapore thì dễ làm ăn cùng hơn, và biết cách kinh doanh ở các thị trường khác nhau”, Gao Zhikai, thành viên hội đồng quản trị Winsway Enterprises, người từng là phó chủ tịch hãng dầu thô khổng lồ CNOOC, nhận định.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cung cấp lượng tiền lớn cho các dự án cơ sở hạ tầng Đông Nam Á, vốn có thể phục vụ phần hàng hải trong kế hoạch “hồi sinh” Con đường tơ lụa. Kết hợp với tuyến đường bộ Âu - Á, toàn bộ dự án có tên “Một vành đai, Một con đường”.
Đối với Bắc Kinh, dự án là biện pháp giải quyết năng suất công nghiệp dư thừa, chất đống trong nhiều ngành. Đây cũng là nỗ lực nhằm biến Trung Quốc thành cường quốc khu vực, thách thức hàng thập kỷ nước Mỹ thống trị tại châu Á của Chủ tịch Tập.
Hãng đầu tư Fosun International, một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Trung Quốc, đặt các trụ sở Đông Nam Á tại Singapore hồi năm ngoái. CEO Fosun International Liang Xinjun nói: “Các công ty Trung Quốc phải chọn đúng nền tảng và bàn đạp trước khi thực bước đi quốc tế, và Singapore là lựa chọn rất tốt”.
tin liên quan
Bloomberg: Con đường tơ lụa của Trung Quốc sẽ là nỗi thất vọng lớnHiện có 900 dự án với tổng số vốn 890 tỉ USD thuộc phát kiến Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc được ghi nhận. Song theo Bloomberg, phát kiến đầy tham vọng trên vẫn khó có thể đạt được mục đích cuối cùng.
Gốc rễ văn hóa, lịch sử
|
Quan hệ giữa Trung Quốc và Đông Nam Á bắt rễ sâu từ lịch sử và văn hóa kinh doanh. Một số công dân Singapore là người gốc Hoa, như cha của ông Teo Siong Seng di cư từ tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) hồi thập niên 1930. Nhiều thương nhân gốc Hoa cũng đi con đường trong khu vực này trước đó nhiều thế kỷ.
Trước đây, doanh nghiệp Đại lục từng để mắt đến Singapore. Cuối năm 2015, đảo quốc sư tử làm chủ nhà hội nghị thượng đỉnh đầu tiên trong bảy thập niên giữa Đài Loan và Trung Quốc, khi cố lãnh đạo Singapore Lý Quang Diệu được xem là cố vấn khu vực khi bàn đến quan hệ Trung Quốc. Nhiều quan chức Đại lục đến Singapore mỗi năm để học hỏi mô hình chính trị nước này.
Singapore cũng có số dân người Hoa lớn nhất Đông Nam Á, chiếm đến gần 75% dân số. Nước này là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc. Hơn 20% GDP Singapore có liên quan đến Trung Quốc, theo hãng Natixis.
Việc doanh nghiệp Đại lục “tràn” qua Singapore có thể giúp kinh tế đảo quốc nhỏ bé, khi họ phải đối mặt với năm tăng trưởng chậm nhất từ thời khủng hoảng tài chính toàn cầu. Singapore bị tác động bởi thương mại chậm lại, giá hàng hóa lao dốc và thực trạng cắt giảm việc làm trong ngành ngân hàng.
Dù Singapore “khát” đầu tư cơ sở hạ tầng để đáp ứng nhu cầu dân số tăng nhanh, Trung Quốc không nên chờ đợi cánh cửa mở toang vô điều kiện, hãng tin Bloomberg viết.
tin liên quan
Căng thẳng Biển Đông có thể ảnh hưởng lớn đến thương mại thế giớiGiới phân tích vừa đưa ra ý kiến về việc căng thẳng gia tăng gần đây trên Biển Đông sẽ có ý nghĩa ra sao với thương mại toàn cầu.
Đông Nam Á thận trọng
|
“Nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đang trở nên thận trọng hơn khi giao dịch với các doanh nghiệp Trung Quốc, những gương mặt có hồ sơ theo dõi xấu khi làm ăn trong thập kỷ qua”, ông Gao Zhikai, người cũng là giám đốc Nghiên cứu Quốc tế của Hiệp hội Quốc gia Trung Quốc, cho biết.
Chuyên gia trên nói thêm: “Với những căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, các doanh nghiệp Trung Quốc thậm chí phải cẩn thận hơn trong việc giao dịch trên thực tế. Ngay cả sai lầm nhỏ cũng có thể gây ra phản ứng tiêu cực lớn”.
Trung Quốc có thể tìm về Singapore để giúp làm giảm căng thẳng trong tranh chấp lãnh thổ hiện có với một số nước Đông Nam Á. Hải quân Mỹ xem Singapore là cửa ngõ vào Biển Đông cho tàu và máy bay trinh sát. Singapore từng kêu gọi Trung Quốc thận trọng.
Xét ở mức độ doanh nghiệp, giám đốc giải pháp khách hàng Aylwin Tan của hãng Ascendas-Singbridge Group, hãng vừa liên doanh với công ty Đại lục hồi năm ngoái, chia sẻ: “Chúng tôi cho rằng niềm tin là yếu tố quan trọng nhất trong văn hóa doanh nghiệp Trung Quốc. Người Singapore có thể đánh giá cao nền văn hóa Trung Hoa hơn, hiểu các quy tắc thành văn và bất thành văn khi làm ăn với nước này”.
Tuy vậy, khó khăn vẫn còn ở phía trước. Đây là nhận định của chủ tịch Asia Financial Bernard Chan. Một số nước trong khu vực tương đối chưa minh bạch và phức tạp. Hệ thống báo cáo tài chính có thể gây khó cho người ngoài khi cố gắng tìm hiểu đường đi trong khu vực. Ngoài ra, doanh nghiệp Trung Quốc đôi khi rơi vào trường hợp “chẳng biết gì về thứ họ đang mua, nhưng họ phải mua”.
tin liên quan
Con đường tơ lụa của Trung Quốc 'tắc đường' ở Thái LanThất bại của Trung Quốc trong thỏa thuận giúp xây dựng và hỗ trợ tài chính cho một dự án đường sắt ở Thái Lan cho thấy phát kiến của Đại lục khó thành hiện thực.
Bình luận (0)