Bài viết dưới đây là quan điểm của nhà báo Christopher Balding ở hãng tin Bloomberg, người cũng là giáo sư kinh tế tại Trường Kinh doanh HSBC ở Thâm Quyến.
Giữa tất cả những ồn ào về chuyện Trung Quốc làm chủ nhà Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở thành phố Hàng Châu, một sự kiện có ý nghĩa tượng trưng lớn vô tình bị che khuất. Tuần trước, Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành trái phiếu bằng giỏ tiền Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) trên thị trường liên ngân hàng Đại lục. Bắt đầu từ tháng 10 năm nay, nhân dân tệ sẽ được đưa vào rổ tiền tệ được dùng để thiết lập giá trị giỏ SDR.
Đối với Trung Quốc, động thái trên tượng trưng cho vị thế cường quốc đang lên. Tuy nhiên tôi lại cho rằng nó thể hiện lý do vì sao Trung Quốc chật vật trên đường trở thành trung tâm tài chính thế giới.
Bắc Kinh quan niệm SDR như một sự thỏa hiệp. Họ thích hệ thống tiền tệ toàn cầu ít phụ thuộc hơn vào đồng đô la Mỹ và thuận lợi hơn cho bản tệ nước nhà. Song họ vẫn áp đặt kiểm soát vốn, hạn chế sử dụng nhân dân tệ ở nước ngoài và không muốn thả nổi giá trị nội tệ - yếu tố vốn là điều kiện tiên quyết để nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ đúng nghĩa. Trung Quốc xem SDR như một cách để phân tách sự khác biệt, tạo ra đối thủ để cạnh tranh với USD. Cùng lúc, họ duy trì tỉ giá hối đoái cố định.
Vấn đề ở đây là dường như không có lý do gì dễ hiểu trong việc sử dụng giỏ tiền. SDR được tạo ra dưới dạng tài sản dự trữ tổng hợp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhiều thập niên trước dưới hệ thống Bretton Woods. Không nước nào sử dụng nó cho kinh doanh thông thường, và không nước nào phát hành trái phiếu niêm yết bằng SDR ngoại trừ vì mục đích chính trị như cách WB đang làm.
Giới doanh nghiệp cũng chẳng dùng chúng. Nếu một công ty muốn vay để xây nhà máy ở Nhật Bản, họ sẽ phát hành trái phiếu bằng đồng yen Nhật, trả nợ bằng đồng yen Nhật. Nếu khách hàng của họ trên toàn cầu, chắc chắn một ngân hàng đầu tư tham vọng sẽ sẵn sàng để xây dựng chỉ số danh mục đầu tư tiền tệ phù hợp với nhu cầu doanh nghiệp. Thay vì sử dụng trong số các loại tiền tệ của SDR, công ty có thể bán trái phiếu trong chỉ số tổng hợp của bất cứ thứ gì, chẳng hạn như chia đều 25% giữa đô la Mỹ, euro, yen và real Brazil. Không khách hàng nào trả tiền theo SDR, vì vậy, tại sao phải buộc bản thân bạn trả nợ bằng SDR?
Lý do Trung Quốc thúc đẩy SDR là vì họ hy vọng đạt được uy tín của một đồng tiền toàn cầu mà không phải đối mặt với áp lực tài chính, tức để nội tệ thả nổi tự do hay nới lỏng kiểm soát vốn. Nói cách khác, họ muốn có lợi ích của việc đi đầu thế giới và tránh hạn chế.
Đây chính là thái độ cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc trên cương vị trung tâm tài chính thế giới. Họ hiện có tất cả nội lực để cạnh tranh với London và New York: nền kinh tế rộng lớn, tập trung kinh doanh quốc tế và các nhân viên nhà băng tạo ra sản phẩm sáng tạo. Ngoài ra, nhu cầu vốn và dịch vụ Tài chính Trung Quốc đang gia tăng.
Song nợ và vốn quốc tế của Trung Quốc hầu như không tồn tại. Trong số gần 2.000 đợt trái phiếu phát hành ở Trung Quốc trong năm nay, chỉ có một là trên quốc tế. Giới doanh nghiệp không muốn bán nợ hoặc cổ phần trong một quốc gia chịu kiểm soát vốn chặt chẽ, với dòng tiền không phản ánh thị trường. Cũng như với SDR, Bắc Kinh không thể có cả hai.
Nếu Trung Quốc muốn trở thành trung tâm tài chính thế giới, họ cần có thị trường hiện hữu dòng vốn tự do, giá biến động theo nhu cầu và quy định minh bạch. Thay vì theo đuổi nhiều chiến thắng biểu tượng như trái phiếu SDR, Trung Quốc nên mở đường cho ngân hàng và dòng vốn.
tin liên quan
Thủ tướng Trung Quốc: Đừng kỳ vọng Trung Quốc giải cứu kinh tế thế giớiKhi toàn cầu chật vật thoát khỏi thời kỳ tăng trưởng chậm kéo dài, đừng trông đợi vào chuyện nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới sẽ đến giải cứu, hãng tin Bloomberg viết.
Bình luận (0)