Trường cao đẳng (CĐ) Đà Lạt chính thức được thành lập theo Quyết định số 753 ngày 18.8.2022 của Bộ LĐ-TB-XH, trên cơ sở sáp nhập Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt, Trường CĐ Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng và Trường CĐ nghề Đà Lạt.
Ban giám hiệu Trường CĐ Đà Lạt cho biết, sau khi sáp nhập, ngoài đào tạo 28 nghề chức năng, thì trường chỉ còn đào tạo sư phạm giáo viên chuyên ngành giáo dục mầm non. Thế nhưng, suốt 2 năm qua Trường CĐ Đà Lạt không được giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm mầm non, gây lãng phí về nguồn lực và cơ sở vật chất, thiết bị. Số sinh viên sư phạm mầm non năm cuối hiện chỉ còn gần 30 người.
Trường mong được giao chỉ tiêu đào tạo
Từ tháng 10.2023, UBND tỉnh Lâm Đồng có công văn gửi Bộ GD-ĐT đề nghị phân bổ chỉ tiêu để Trường CĐ Đà Lạt tổ chức tuyển sinh ngành sư phạm mầm non theo nhu cầu xã hội. Sau đó, Bộ GD-ĐT có văn bản trả lời với nội dung để tuyển sinh đào tạo theo nhu cầu xã hội, UBND tỉnh cần phải có văn bản cam kết chi trả kinh phí theo quy định của Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25.9.2020 (NĐ 116) của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, để Bộ GD-ĐT thông báo chỉ tiêu kịp thời.
Theo đó, ngày 17.4.2024, UBND tỉnh Lâm Đồng có văn bản chỉ đạo Sở GD-ĐT và Trường CĐ Đà Lạt đã tiến hành khảo sát nhu cầu sử dụng giáo viên mầm non trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn từ năm 2024 đến 2028.
Sau khi khảo sát thực tế, Trường CĐ Đà Lạt có văn bản báo cáo Sở GD-ĐT và Sở Tài chính để 2 sở báo cáo UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, quyết định về việc giao chỉ tiêu đào tạo ngành giáo dục mầm non trình độ CĐ. Cụ thể, nhu cầu tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập 48 giáo viên; tại các cơ sở giáo dục mầm non tư thục là 60 giáo viên.
Nhận định trái chiều
Sau khi nhận được báo cáo của Trường CĐ Đà Lạt, Sở Tài chính tỉnh Lâm Đồng có văn bản số 746/STC-HCSN gửi UBND tỉnh Lâm Đồng, nêu rõ: "Thực tế cho thấy hiện nay tại tỉnh Lâm Đồng nhu cầu tuyển dụng giáo viên mầm non tại các thành phố, huyện, khu, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp có đông người lao động làm việc còn cao. Đồng thời, cũng cần chuẩn bị nguồn giáo viên mầm non để thay thế những giáo viên nghỉ hưu, nghỉ việc trong những năm tới". Trong đó, chỉ tiêu tuyển sinh giáo viên mầm non cho đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình thuộc diện chính sách, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và các đối tượng khác có hộ khẩu tại tỉnh Lâm Đồng là 90 học viên. Dự kiến ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí cho 90 học viên nêu trên theo Nghị định 116 là 9.801.000.000 đồng".
Cũng theo Sở Tài chính, từ năm 2023 Trường CĐ Đà Lạt không được giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non dẫn đến sự lãng phí về nguồn nhân lực đội ngũ giảng viên dôi dư do không có lớp để giảng dạy; tiền lương, thu nhập giảm do không đủ tiêu chuẩn về tiết dạy theo quy định. Vì vậy ảnh hưởng đến đời sống vật chất, tinh thần của 30 giảng viên tại trường. Đồng thời lãng phí rất lớn đối với trang thiết bị phục vụ đào tạo giáo viên mầm non đã trang bị từ trước.
Thế nhưng ngày 7.8.2024, Sở GD-ĐT Lâm Đồng có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, số liệu báo cáo của Trường CĐ Đà Lạt không đúng so với số liệu thống kê của Sở GD-ĐT.
Trao đổi với PV, ông Hà Văn Thanh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng giáo dục thường xuyên (Sở GD-ĐT Lâm Đồng), cho biết vào ngày 31.5.2024, Sở GD-ĐT đã phát hành công văn gửi UBND các huyện Đức Trọng, Lâm Hà và TP.Đà Lạt đề nghị rà soát lại nhu cầu sử dụng giáo viên mầm non trình độ CĐ tại các trường công lập và ngoài công lập trên địa bàn. Tuy nhiên, không có đơn vị nào đề xuất nhu cầu đào tạo. Các địa phương không đề xuất nhu cầu thì Sở GD-ĐT không có căn cứ trình UBND tỉnh giao chỉ tiêu đào tạo ngành giáo dục mầm non trình độ cao đẳng năm 2024 cho Trường CĐ Đà Lạt.
Sở không dám làm trái Nghị định 116
Theo bà Phạm Thị Hồng Hải, Giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng, quy định tại Nghị định 116, sinh viên sư phạm được miễn học phí, ngoài ra hằng tháng được hỗ trợ 3.650.000 đồng chi phí sinh hoạt (10 tháng trong 1 năm); khoản tiền này do ngân sách tỉnh chi. Chưa kể, theo Nghị định 116, sau khi tốt nghiệp tỉnh phải bố trí việc làm cho sinh viên. Do đó, Sở GD-ĐT chỉ dám đề xuất chỉ tiêu đào tạo nếu UBND các huyện, thành phố đặt hàng. "Việc Trường CĐ Đà Lạt khảo sát theo nhu cầu xã hội (các trường ngoài công lập) rồi báo cáo Sở Tài chính xem xét và chịu trách nhiệm đề xuất UBND tỉnh; Sở GD-ĐT không thể đề xuất vì không bảo đảm bố trí việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp", bà Hải cho biết thêm.
Phóng viên Thanh Niên đặt vấn đề, thực tế có những trường hợp muốn được đào tạo sư phạm giáo dục mầm non trình độ CĐ tại Trường CĐ Đà Lạt, họ không nhận tiền hỗ trợ hằng tháng và sau khi tốt nghiệp tự tìm việc làm, sao Sở GD-ĐT không tạo điều kiện, nhằm tránh lãng phí nguồn nhân lực và cơ sở vật chất sẵn có của Trường CĐ Đà Lạt? Bà Hải cho rằng sở không dám làm trái Nghị định 116, nếu sở đề xuất sẽ sai. Sở GD-ĐT Lâm Đồng đã từng kiến nghị sửa đổi Nghị định 116, đây là bài toán chưa có lời giải trong đào tạo giáo viên mầm non theo nhu cầu xã hội.
PV đặt câu hỏi: "Nếu tỉnh không đào tạo giáo viên mầm non có thể dẫn đến thiếu hụt đội ngũ giáo viên mầm non trong tương lai như nhận định của Sở Tài chính Lâm Đồng?". Bà Hải giải thích, hiện nay tỉnh đang áp dụng Nghị định 111/2022/NĐ-CP ngày 30.12.2022 của Chính phủ, cho phép các trường học công lập ký hợp đồng làm nhiệm vụ chuyên môn theo năm tài chính và ngân sách tỉnh chi trả tiền lương cho giáo viên hợp đồng. Do đó, các huyện, TP trên địa bàn đang áp dụng phương thức này. Còn sinh viên có nhu cầu học sư phạm mầm non có thể về Nha Trang, TP.HCM, Đắk Lắk… để học.
Bình luận (0)