Việt Nam bán theo giá của thị trường carbon tự nguyện
Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), hiện nay, thị trường carbon (CO2) trên thế giới cơ bản được vận hành gồm thị trường CO2 quốc tế tự nguyện và thị trường CO2 nội địa (bắt buộc).
Thị trường CO2 quốc tế tự nguyện hướng đến nhu cầu tự nguyện giao dịch tín chỉ CO2 để phục vụ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; xây dựng hình ảnh trước công chúng và nhằm tạo thêm nguồn cung tín chỉ cho thị trường CO2 nội địa.
Thị trường CO2 tự nguyện thường dựa trên cơ sở các hợp đồng, thỏa thuận hợp tác song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Do vậy, giá bán tín chỉ CO2 được điều tiết bởi thị trường (cung - cầu).
Hiện nay, mức giá CO2 trên thị trường tự nguyện trên thế giới dao động từ 2 - 4 USD/tấn. Trong đó, giá CO2 trung bình của các chương trình, dự án tại khu vực châu Á biến động qua các năm 2019, 2020, 2021 lần lượt là 1,8 USD/tấn; 1,6 USD/tấn; 3,09 USD/tấn. Giá trung bình hiện nay là 1,07 USD/tấn CO2.
Thị trường CO2 nội địa (thị trường bắt buộc) là do quốc gia hoặc vùng lãnh thổ quy định và được thành lập, vận hành nhằm mục tiêu thực hiện các cam kết giảm phát thải của quốc gia, vùng lãnh thổ đó.
Các tổ chức, doanh nghiệp được giao hạn ngạch phát thải và nếu vượt quá hạn ngạch được giao thì phải đóng thuế hoặc mua hạn ngạch, tín chỉ CO2. Đối với thị trường CO2 nội địa, giá bán CO2 sẽ phụ thuộc vào quy định chính sách của quốc gia.
Hiện nay, trên thế giới có gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ đã ban hành thuế CO2, mức thuế từ 1 - 137 USD/tấn.
Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp cho biết, hiện nay tín chỉ CO2 rừng của Việt Nam chỉ giao dịch được trên thị trường tự nguyện.
Riêng ở góc độ giá CO2 tại thị trường EU cao hơn gấp nhiều lần mức giá chuyển nhượng CO2 của Việt Nam, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, phân tích: "Thị trường CO2 của EU là thị trường carbon đầu tiên trên thế giới (hoạt động từ năm 2005) và có quy mô lớn nhất, chiếm khoảng 45% tổng lượng phát thải toàn EU và khoảng 3/4 thị trường phát thải CO2 toàn cầu.
Trên carboncredits.com cập nhật và theo dõi thị trường CO2 trên thế giới, mức giá CO2 tại thị trường EU ngày 22.3 là 59,37 euro/tấn. Thị trường CO2 của EU không cho phép tín chỉ CO2 được tạo ra từ các quốc gia ngoài EU giao dịch trên thị trường".
Đảm bảo tính dài hạn, có cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng
Trao đổi với Thanh Niên, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Quốc Trị cho biết, 5 USD/tấn CO2 là mức giá chuyển nhượng theo hình thức tự nguyện, nên thấp hơn giá theo hình thức bắt buộc.
Bên cạnh đó, kết quả giảm phát thải chuyển nhượng cho Ngân hàng Thế giới (WB) là kết quả tạo ra trong quá khứ (giai đoạn 2018 - 2019), nên rất khó có thể tìm kiếm các đối tác khác để thực hiện trao đổi, thương mại.
"Quan trọng là WB chỉ mua tượng trưng, họ thực nhận 5%, còn tới 95% kết quả chuyển nhượng sẽ được chuyển giao lại cho Việt Nam để đóng góp vào NDC. NDC là cam kết của quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính để đạt mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua tại Hội nghị COP21", Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nói.
Về các yếu tố quyết định tới giá bán tín chỉ carbon, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, phân tích thêm yếu tố chính trên thị trường tự nguyện gồm: tính dài hạn của tín chỉ CO2 tạo ra; các rủi ro từ các chương trình, dự án tạo tín chỉ CO2 như đảo nghịch, dịch chuyển phát thải; sự tuân thủ về đảm bảo an toàn môi trường xã hội; tính minh bạch, chính xác của chương trình và dự án tạo tín chỉ CO2.
Ngoài ra, sự tham gia và hưởng lợi của cộng đồng địa phương cũng ảnh hưởng tới giá bán tín chỉ CO2.
Để nâng cao giá trị tín chỉ CO2 rừng, ông Bảo nhấn mạnh: "Tín chỉ CO2 rừng của Việt Nam cần đáp ứng đầy đủ các yếu tố trên, đồng thời cần có cơ chế chia sẻ lợi ích công bằng, minh bạch cho cộng đồng địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số".
Bộ NN-PTNT mới đây có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ và về tình hình triển khai Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ (ERPA) và đề xuất chuyển nhượng lượng giảm phát thải khí nhà kính còn dư thuộc giai đoạn 2018 - 2019.
Báo cáo nêu rõ, tháng 10.2023, WB có thư gửi Bộ NN-PTNT xác nhận báo cáo kết quả thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải kỳ 1 vùng Bắc Trung bộ. Theo đó, WB xác nhận kết quả giảm phát thải tạo ra từ báo cáo kỳ 1 đạt 16,21 triệu tấn CO2. Kết quả này đã đủ để chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 theo ERPA đã ký. Với giá chuyển nhượng 5 USD/tấn CO2, số tiền thu về ước khoảng trên 1.200 tỉ đồng.
Sau khi chuyển nhượng 10,3 triệu tấn CO2 theo ERPA đã ký, Việt Nam còn dư 5,91 triệu tấn CO2 trong giai đoạn 2018 - 2019. Bộ NN-PTNT đề xuất cho phép chuyển nhượng 1 triệu tấn CO2 cho WB theo ERPA đã ký với giá 5 USD/tấn, khoảng 95% kết quả chuyển nhượng này sẽ được chuyển giao lại cho Việt Nam để đóng góp vào NDC.
Số 4,91 triệu tấn CO2 còn lại, Bộ NN-PTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến đề nghị WB xem xét giới thiệu đối tác tiềm năng mua lượng giảm phát thải này theo phương thức đã thực hiện tại ERPA đã ký, hoặc hỗ trợ Việt Nam kết nối thực hiện thí điểm đấu giá thông qua các sàn giao dịch quốc tế.
Bình luận (0)