Mỗi khi gặp bà Hương, dù không cố tình hỏi thăm về Mai - con gái bà và cũng là cô bạn cũ hiện đang sống ở nước ngoài, tôi vẫn phải nghe bà tràng giang đại hải những lời kêu ca phàn nàn về cô.
Minh họa: Văn Nguyễn |
Rồi bà quay sang kể lể về nỗi khổ của bà, để cuối cùng chỉ chốt lại một câu rằng “Nhờ con nói với nó… Nó bây giờ xa lánh gia đình quá”.
Như bà Hương kể thì Mai bây giờ ích kỷ, vô tình với cha mẹ, anh em; giàu có mà chỉ biết hưởng thụ một mình. Bây giờ, mẹ gọi điện cũng không bắt máy, anh em thì càng chẳng ngó ngàng. “Nó cứ đổi số điện thoại miết. Rồi lý do bận này bận kia mấy năm rồi không về Việt Nam. Mà bác biết, nó có về đấy, nhưng giấu, trốn bác. Chắc chắn là vậy...”. Bà Hương kể như muốn khóc. “Bác thì đau ốm, bác trai bị liệt mấy năm nay, mấy đứa em nó giờ cũng thất nghiệp, khổ quá…”.
Chơi thân với Mai từ hồi học chung trường cấp 3, sau này Mai định cư ở Úc, thỉnh thoảng chúng tôi vẫn trò chuyện, tâm sự. Không phải là tôi không biết gia cảnh của Mai. Mà chính vì biết, nên tôi không thể nói gì với bà Hương lúc này.
Mai xinh đẹp như người mẫu, là đứa con duy nhất trong 5 người con của bà Hương được học đại học. Bà Hương vẫn kể về điều này như một đặc ân bà ban cho riêng cô con gái thứ hai, trong khi tôi biết rõ rằng việc đi học ấy là do cố gắng nỗ lực của Mai. Cô phải tự làm mọi việc có thể để kiếm tiền, từ dạy thêm, phụ bán hàng đến giúp việc nhà theo giờ… vì muốn được học đại học, cô không chỉ phải tự xoay sở đóng học phí, lo ăn uống mà còn phải nộp cho mẹ đều đặn số tiền hằng tháng mà bà đòi hỏi. Ra trường, Mai có công việc ổn định, kiếm tiền nhiều, nhưng chuyện tình cảm không suôn sẻ. Ly hôn chồng cũ vì anh ta ghen tuông bệnh hoạn, vũ phu rồi gặp một khách hàng đối tác, là người Úc, si mê mình, cô chấp nhận kết hôn với ông ta, sang Úc sinh sống. Nhưng rồi những khác biệt lại nảy sinh, dẫn đến ly hôn lần thứ hai.
Một mình nuôi hai con cùng mẹ khác cha, may mắn là công việc kinh doanh của Mai nơi xứ người lại rất thuận lợi nên cô sống khá giả, ổn định. “Những tưởng khi đổ vỡ trong hạnh phúc riêng thì còn lại gia đình mình để dựa dẫm tinh thần, thế mà không phải vậy”, có lần Mai tâm sự. Tất cả cũng chỉ vì chữ “tiền”. Tiền hằng tháng cho ba mẹ thì vẫn gửi về nhà đều đặn, nhưng Mai ngày càng sợ những đòi hỏi không có điểm dừng. Kể từ khi phát hiện gần như tất cả những mảnh đất, ngôi nhà - tài sản của cô gửi tiền về mua, để mẹ đứng tên, đều lần lượt bay biến thì cô không “đầu tư” gì nữa. Ông anh cả chơi cá cược bóng đá, mất vài tỉ. Hai thằng em kế Mai đều dính nghiện ngập, cô em út “sát cánh bên mẹ” trong việc “giải quyết hậu quả”. Bà Hương và con gái út xoay xở bán chác, sang tên, xắn tài sản của Mai ra, sẵn đó cô út cũng thu vén cho riêng mình. Mấy năm trước, về nước, Mai chỉ biết ngậm đắng khi khối tài sản của cô gần như là zero. Bên kia cô kiếm tiền quần quật thì bên này người thân lại phá hết.
Mai vẫn gửi tiền cho ba mẹ, nhưng không còn tin tưởng để gửi gắm tài sản như trước. Rồi cô lại tiếp tục phát hiện, bệnh ung thư của mẹ cô là... giả. Chuyện anh trai bị lừa mất lô hàng lớn ở hải quan, có nguy cơ bị công an bắt, phải chạy chọt để khỏi vào tù cũng là giả. Chuyện hai, ba lần ba cô bị cấp cứu (có cả chụp ảnh, quay phim gửi cho cô thấy) cũng... diễn; chuyện cấp vốn cho hai cậu em làm ăn để khỏi lêu lổng thì nghe đến chục lần, cho tiền đến cả năm, bảy lần vẫn chưa thấy làm gì... Trong khi đó, ở nước ngoài, một mình nuôi hai con, Mai khá vất vả. Nhớ có lần nhờ mẹ sang trông cháu giùm khi cô mới sinh, bà giãy nảy, lý do bây giờ bị khớp đau tay không thể bế em bé được... Sau đấy, cô biết bệnh đau tay cũng là giả.
Tôi biết, năm ngoái Mai có việc về nước một lần, nhưng cô không ghé nhà. Lần đó, phần vì thời gian gấp, phần vì cô nói đang buồn. Về nhà, chỉ thấy mọi người nhìn mình như kho tiền. Khi đó gần tết, cô chẳng muốn thấy mẹ cứ khóc lóc, ỉ ôi, kể lể những nỗi khổ gia đình... vô cùng vô tận.
Bình luận (0)