Tự động phát
Trong bối cảnh thế giới đang đối phó với đại dịch Covid-19, ngành công nghiệp năng lượng tái tạo trong đó có điện mặt trời dường như tận dụng được lợi thế phát triển, đặc biệt là tại Việt Nam, nhất là khi việc giãn cách xã hội khiến việc tiêu thụ điện tăng, giá điện cũng tăng theo.
Tháng 5.2020, chính phủ Việt Nam thông báo giảm đáng kể các kế hoạch phát triển nhà máy nhiệt điện than, chuyển hướng tập trung vào năng lượng mặt trời và gió. Năm 2019, Việt Nam cũng gây bất ngờ khi tuyên bố mở rộng công suất điện mặt trời lên gấp 10 lần trong vòng 1 năm.
CNBC trích báo cáo của tổ chức Wood Mackenzie cho biết tổng công suất lắp điện mặt trời của Việt Nam đạt 5,5 gigawatt (GW) trong năm 2019, chiếm 44% tổng công suất điện mặt trời toàn Đông Nam Á, đưa Việt Nam dẫn đầu thị trường năng lượng mặt trời trong khu vực và dẫn đầu về thị trường. Trong khi đó, Việt Nam chỉ sản xuất được 0,134 GW trong năm 2018.
Ngày 24.6, trong chuyến thăm công ty Shire Oak International tại TP.HCM, Đại sứ Anh tại Việt Nam - Gareth Ward khẳng định Việt Nam đã sẵn sàng đã sẵn sàng trở thành nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á trong nỗ lực chuyển đổi sang nguồn năng lượng bền vững.
|
Ông Gareth Ward nhấn mạnh: "Chúng tôi đang nỗ lực cải thiện các chính sách môi trường để hỗ trợ Việt Nam, như là giảm thải carbon, tăng cường hiệu quả năng lượng cho các nhà máy Việt Nam cũng như phát triển các ngành mới như năng lượng gió và năng lượng mặt trời, mà Việt Nam có tiềm năng lớn, chúng tôi cũng chia sẻ chuyên môn, đưa nhiều công ty và nhà đầu tư Anh đến Việt Nam hơn".
“Khoảng 5 năm trước, năng lượng tái tạo có giá thành đắt hơn năng lượng truyền thống. Nhưng chi phí cho năng lượng tái tạo đang giảm dần do công nghệ, tài chính dần cải thiện và chi phí của các loại năng lượng truyền thống như than đang tăng lên. Than rõ ràng gây tốn kém vì nhiều loại phí tổn khác như ô nhiễm môi trường, thải carbon. Xét về dài hạn thì năng lượng tái tạo không chỉ sạch hơn nhưng còn rẻ hơn năng lượng truyền thống. Vì vậy Việt Nam đang có nhiều cơ hội khi đã vượt qua khủng hoảng kinh tế vì Covid-19, xây dựng kinh tế xanh, hiệu quả trở lại", đại sứ Anh tại Việt Nam chia sẻ thêm.
Shire Oak International, công ty tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ở Anh và châu u, đang tập trung khai thác thị trường Việt Nam. Theo ông Borries Plass, Giám đốc điều hành của Shire Oak International, xu hướng chuyển từ năng lượng thông thường sang năng lượng tái tạo tại Việt Nam cũng giống Anh khoảng 30 năm trước.
Ông Borries Plass chia sẻ: “Nguồn năng lượng miễn phí vì mặt trời ở Việt Nam rất dồi dào, sẽ sản sinh ra điện. Sau đó khách hàng có thể sử dụng cho mục đích sản xuất. Nếu sử dụng nguồn điện này, giá thành sẽ rẻ hơn 15% so với nguồn điện thông thường mua từ công ty điện lực quốc gia EVN khiến việc mua điện trở nên rất hấp dẫn. Họ có thể bán lại điện cho lưới điện”.
Shire Oak International tham gia nỗ lực tăng cường công suất điện mặt trời trên toàn Việt Nam bằng cách cung cấp, lắp đặt các hệ thống năng lượng mặt trời áp mái.
|
Mức giá năng lượng điện mặt trời áp mái hiện ở mức 1.940 đồng/kWh, giảm 10% so với giá cũ để thúc đẩy sự phát triển năng lượng tái tạo trên khắp Việt Nam.
Một trong những dự án sử dụng năng lượng mặt trời áp mái nổi bật nhất là BOHO Décor, công ty thiết kế nội thất và thi công. Hệ thống năng lượng mặt trời 998 kW áp mái của nhà máy này giúp giúp giảm phát thải 863 tấn CO2 mỗi năm, tương đương với lượng khí thải ra của 186 xe khách cỡ lớn.
Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phát triển kinh doanh BOHO, chia sẻ: “Trong dự án này, Shire Oak và SEV đem đến lựa chọn tương đối phù hợp với BOHO. Vì từ ban đầu xây dựng nhà xưởng, BOHO cũng nghĩ tới làm thế nào đóng góp một phần. Thứ nhất là đỡ chi phí năng lượng, thứ hai là góp phần xanh sạch cho khu vực Long An. SEV và Shire Oak giúp BOHO giảm khoảng 15% tiền điện mỗi tháng, tương đối là vui với chuyện đó. Có một cái lợi ít người nhắc tới là làm giảm nhiệt độ trong khu xưởng từ 5-7 độ.”
Chính phủ đã đặt ra mục tiêu có 20% tổng lượng điện Việt Nam đến từ năng lượng tái tạo vào năm 2030, bao gồm 12GW điện mặt trời.
Bình luận (0)