- Trả lời: Viêm mũi dị ứng xảy ra ở 10 - 30% người lớn, và 40% ở trẻ em. Bệnh ngày càng gia tăng, nhất là ở các nước công nghiệp phát triển, bởi ô nhiễm không khí. Các chất gây dị ứng thường thấy gồm: phấn hoa, cỏ dại, nấm mốc, lông thú vật, bụi... Thời tiết thay đổi đột ngột cũng là nguyên nhân dễ gây viêm mũi dị ứng. Triệu chứng thường gặp là: ngứa mũi, mắt, cổ họng, nhảy mũi, mắt đỏ, chảy nước mắt, chảy nước mũi, nghẹt mũi, khó thở, cảm giác nặng ở mặt, vùng mũi xoang. Niêm mạc mũi sưng đỏ khi viêm cấp, trong trường hợp viêm mãn có màu tái, dịch tiết màu trắng trong. Viêm mũi dị ứng nhẹ không ảnh hưởng đến sinh hoạt, nhưng khi nặng khiến bệnh nhân phải thở bằng miệng, gây mất ngủ, mệt mỏi, ho nhiều, khò khè, suyễn, làm giảm khả năng tập trung, người bệnh khó chịu, gắt gỏng.
Bệnh này chỉ chữa khỏi khi loại trừ dị ứng nguyên, điều này rất khó trong thực tế. Tuy nhiên, có thể dùng các biện pháp phòng bệnh sau: giữ ấm cơ thể khi trời trở lạnh, tránh dùng thuốc và thực phẩm gây dị ứng, làm sạch thông thoáng môi trường, không nuôi hoặc tiếp xúc với vật nuôi gây dị ứng, làm sạch sàn nhà, thùng rác, giặt mền, khăn trải giường sạch sẽ. Không nên tự dùng thuốc nhỏ chống nghẹt mũi vì dễ làm bệnh nặng thêm về sau, và làm nặng thêm ở người có bệnh tim mạch. Cần đến bác sĩ chuyên khoa để được khám và chữa trị đúng.
BS Phạm Thanh Sơn
(BV Phương Đông, TP.HCM)
Bình luận (0)