Nhân ngày Viêm màng não thế giới (24.4), hôm nay 15.4, tại TP.HCM, Hội Y học dự phòng Việt Nam phối hợp cùng Công ty Sanofi Việt Nam, tổ chức buổi tọa đàm cùng báo chí “Thông tin về viêm não Nhật Bản và viêm màng não do não mô cầu”.
Tại buổi tọa đàm, TS-BS Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội (truyền nhiễm), Trung tâm y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho rằng viêm màng não do não mô cầu và viêm não Nhật Bản là hai bệnh "đáng ngại". Bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; còn viêm màng não do não mô cầu có diễn tiến nhanh, có thể gây tử vong trong 24 giờ. Cả hai căn bệnh này đều có thể xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhưng trẻ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh cao nhất.
Theo TS-BS Hải, viêm não Nhật Bản là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng ở não gây ra do vi rút viêm não Nhật Bản, lây truyền qua đường trung gian muỗi đốt. Tỷ lệ tử vong có thể lên tới 30%. Nếu điều trị khỏi bệnh, vẫn nguy cơ bị di chứng vĩnh viễn từ nhẹ đến nặng với tỷ lệ rất cao (khoảng 50% trên các bệnh nhân còn sống). Viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Điều trị chỉ làm giảm các triệu chứng, giúp bệnh nhân vượt qua tình trạng nhiễm trùng và vật lý trị liệu khi có di chứng...
|
Viêm màng não do não mô cầu là tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng của màng não, màng bao bọc não và tủy sống. Bệnh gây ra bởi vi khuẩn N. meningitidis. Bệnh lây qua đường hô hấp, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng trẻ sơ sinh, mẫu giáo và thanh thiếu niên gặp nhiều nhất. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề, như: chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10-20%. Tỷ lệ tử vong từ 8 - 15%, thậm chí có thể lên đến 50% nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh xảy ra rải rác trong năm
Tại buổi tọa đàm, PGS-TS Cao Hữu Nghĩa, giảng viên Trung tâm Đào tạo, Viện Pasteur TP.HCM, cho biết: Trước đây, bệnh viêm não xảy ra tập trung ở mùa hè, nhưng hiện nay, ngoài mùa hè nhiều, bệnh còn xảy ra rải rác trong năm, là do có sự thay đổi thời tiết, mưa, môi trường... Và có sự thay đổi độ tuổi mắc bệnh, trẻ lớn cũng có thể mắc bệnh, do có sự thay đổi về hệ miễn dịch...
Theo PGS-TS Nghĩa, viêm não là bệnh truyền nhiễm ở hệ thống thần kinh, điều trị không thể khắc phục hoàn toàn. Do vậy việc phòng ngừa cực kỳ quan trọng giúp giảm ca mắc, giảm tỷ lệ tử vong... Dự phòng có 3 cột trụ chính: giám sát tốt; truyền thông tốt; dự phòng tốt. Việc phòng ngừa là cực kỳ quan trọng - giúp giảm ca mắc, giảm tỷ lệ tử vong... "Dự phòng thông qua truyền thông để đưa thông tin đến cho người dân để phòng bệnh, như tiêm ngừa; tránh tiếp xúc các nguy cơ...", theo PGS-TS Cao Hữu Nghĩa.
Theo TS-BS Đỗ Thiện Hải, lưu ý với trẻ viêm màng não do não mô cầu, sau sốt 2, 3 giờ sẽ phát ban ở đùi rồi lan ra toàn thân. Lúc đầu, phát ban màu đỏ, sau 2, 3 giờ chuyển sang ban màu tím (là dấu hiệu nhiễm trùng máu).
|
Bình luận (0)