|
Gabby Williams, tại thành phố Billings, bang Montana của Mỹ, có thể không nhận thức được, nhưng cô bé đã được 8 tuổi, dù bề ngoài không khác gì trẻ sơ sinh. Cô bé đang bị một căn bệnh bí ẩn khiến cơ thể hầu như không hề phát triển như những bạn bè đồng trang lứa khác. Gabby nặng khoảng 5 kg, tức chỉ bằng một đứa bé khoảng 2-3 tháng tuổi, và do đó cần phải được chăm sóc như trẻ sơ sinh, từ việc thay tã đến đút ăn nhiều lần trong ngày. Theo ABC News, người mẹ tên Mary Margret Williams cho hay con mình chẳng thay đổi mấy trong những năm qua. Trên thực tế, sờ vào da của cô bé vẫn có cảm giác như đang chạm vào trẻ mới lọt lòng mẹ, còn tóc thì vẫn mịn như tơ. “Con bé có dài thêm chút ít và chúng tôi đã chuyển sang mặc quần áo trẻ 3 - 6 tháng tuổi thay vì 0 - 3 tháng”, bà mẹ cho biết.
Gabby là một trong vài đối tượng đang mắc một căn bệnh bí ẩn khiến họ ngưng già đi theo năm tháng. Căn bệnh này hiếm đến nỗi giới khoa học vẫn chưa đặt tên chính thức cho nó. Vào năm 2011, câu chuyện của cô bé từng được chia sẻ trong một bộ phim tài liệu có tên Đứa trẻ 40 tuổi của tôi, nói về Nicky Freeman, người Úc 40 tuổi trong hình hài của một cậu bé 10 tuổi. Kể từ đó các nhà khoa học phát hiện thêm 2 người bị tình trạng tương tự: một người ở Florida 29 tuổi trong bộ dạng bé trai 10 tuổi, và người còn lại ở Brazil, 31 tuổi nhưng trông chẳng khác nào một bé gái đang ở độ tuổi tập nói. Các đối tượng trên đều đã xuất hiện trên chương trình đặc biệt của Đài TLC tại Mỹ, nhờ công phát hiện của nhà nghiên cứu y khoa Richard Walker, hiện triển khai dự án tại Bệnh viện Nhi đồng ở St.Petersburg, bang Florida.
Các đối tượng mà ông đang nghiên cứu còn bị nhiều tình trạng bệnh tật khác nhau, bao gồm điếc, không đi được hoặc thậm chí chẳng ăn hay nói được. Chuyên gia Walker giải thích rằng quá trình thay đổi sinh lý học đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của con người. “Nếu không có quá trình đó chúng ta sẽ không bao giờ tăng trưởng. Khi phát triển, mọi bộ phận trong cơ thể đều lớn lên cùng nhau và thay đổi, tất cả đều diễn ra một cách đồng bộ. Nếu không, sẽ xảy ra tình trạng hỗn loạn”, ông cho biết. Tuy nhiên, cơ thể tiếp tục thay đổi một khi đạt đến tuổi trưởng thành, và không có cách nào ngăn chặn tiến trình đó được. Walker cho rằng đã tìm được một trong những gien chịu trách nhiệm cho quá trình thay đổi sinh lý học, đồng thời cho hay các đột biến ở những trường hợp hầu như không già đi nằm trên các gien điều tiết của nhiễm sắc thể giới tính X số 2. Do vậy, không loại trừ khả năng những cá nhân trên đang nắm giữ bí ẩn của suối nguồn bất tử.
Chuyên gia Walker cho rằng nếu có thể xác định gien và vào giai đoạn đầu của quá trình trưởng thành con người có thể ngắt đi sự phát triển sinh lý học, thì lúc đó con người có thể bất tử về mặt sinh học. Bất tử về mặt sinh học ở đây có nghĩa là con người vẫn chết vì bệnh tật hoặc tai nạn, nhưng họ không phải chịu những tác động bình thường của quá trình già đi. Họ sẽ vẫn giữ được vẻ ngoài trẻ trung trong khi các chức năng của cơ thể vẫn hoạt động như thời thanh niên sung sức.
Phi Yến
>> Viễn cảnh bất tử
>> Thỏa thuận mới về quyền kiểm soát tế bào bất tử
>> Bất tử nhờ cấy não vào rô bốt
>> Bất tử thời kỹ thuật số
>> Ngừa lão hóa ở nam giới
>> Da dễ lão hóa do xáo trộn giấc ngủ
Bình luận (0)