Reuters dẫn lời Tổng giám đốc Tom Enders của Airbus cho hay tập đoàn sẽ cho tiến hành bước đầu thử nghiệm xe bay tự lái vào cuối năm nay và kỳ vọng đây sẽ là câu trả lời cho tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng tại các đô thị lớn khắp thế giới.
Từ năm 2016, Airbus đã thành lập một bộ phận mang tên Urban Air Mobility (tạm dịch: Di chuyển trên không trong nội thành) gồm những chuyên gia cơ giới hàng đầu nhằm nghiên cứu các sáng kiến về loại xe bay hoạt động tương tự máy bay trực thăng và có thể chở nhiều người.
Phát biểu tại Hội nghị công nghệ kỹ thuật số DLD được tổ chức tại thành phố Munich (Đức) hồi đầu tuần, ông Enders nói: “Hệ thống giao thông tại các thành thị bắt đầu trên mặt đường. Sau đó, chúng ta có thể di chuyển dưới lòng đất với tàu điện ngầm. Giờ đây, chúng ta đã sở hữu công nghệ để hướng tới giao thông trên không ngay trong lòng nội ô”.
Theo ý tưởng thiết kế, xe bay có khả năng cất hạ cánh theo phương thẳng đứng nên không cần sử dụng đường băng. Mặt khác, do thế giới chưa thể sớm triển khai đào tạo và cấp bằng lái xe bay nên trước mắt, Airbus cũng tập trung trang bị khả năng tự hành cho phương tiện.
Theo các chuyên gia, điều này hoàn toàn khả thi với sự phát triển của các loại xe hơi không người lái hiện nay. Thời gian qua, nhiều hãng công nghệ và sản xuất xe hơi như Google, Tesla, Ford… đều triển khai thử nghiệm cho xe tự hành tham gia giao thông thực tế trên đường phố với kết quả khả quan.
|
Trước khi có thể bán xe cho cá nhân, Airbus đặt mục tiêu để hành khách sử dụng một ứng dụng trên điện thoại thông minh để đặt xe bay, tương tự các hình thức gọi xe như Uber hoặc GrabCar hiện nay. Reuters dẫn lời ông Enders nhận định phương tiện giao thông mới này giúp tháo gỡ kẹt xe, có thể dễ dàng đón khách ở những khu vực đông dân cư hay ngõ hẻm chằng chịt, đồng thời góp phần giảm chi phí quy hoạch cơ sở hạ tầng tại các thành phố lớn.
“Bạn sẽ không cần phải đầu tư mở rộng cầu cống, đường sá hay hệ thống tàu điện ngầm nữa…”, lãnh đạo Airbus nói.
“Đại gia” máy bay châu Âu hy vọng có thể chính thức giới thiệu trước công chúng mẫu xe bay dành cho một người vào cuối năm nay và đi vào sản xuất đại trà từ năm 2021. Nếu tiến triển thuận lợi, Airbus sẽ tiến tới nghiên cứu các mẫu xe buýt bay chở được 90 - 100 hành khách, theo Sputnik. “Hiện chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và dự án này được thực hiện một cách rất nghiêm túc”, Tổng giám đốc Enders khẳng định.
Bên cạnh Airbus, cũng đang có nhiều doanh nghiệp theo đuổi xe bay. Tập đoàn Uber tỏ ra sớm đón đầu xu thế khi thông báo ý định triển khai thêm dịch vụ vận chuyển hành khách nội thị bằng đường không trong thập niên tới, trong khi nhà đồng sáng lập Google Larry Page đã đầu tư hàng triệu USD vào nghiên cứu chế tạo xe bay, theo Sputnik.
Ngoài ra, Hãng PAL-V International (Hà Lan) đặt mục tiêu đưa cỗ máy PAL-V One thử nghiệm thực tế trên đường phố châu Âu vào năm 2019. Không hoàn toàn là xe bay, PAL-V One “lai” giữa trực thăng và xe 3 bánh, chở được 2 người và có thể di chuyển trên không lẫn trên đường với tốc độ tối đa 180 km/giờ.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, công nghệ không còn là trở ngại nhưng giấc mơ xe bay vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Khó khăn nhất là cơ sở hạ tầng hiện nay của các đô thị chưa thể thích ứng với viễn cảnh phương tiện giao thông dày đặc trên trời. Đó là chưa kể những vấn đề phức tạp nảy sinh về quy định an toàn và cấp phép, nhất là ở những vùng không phận được siết chặt an ninh.
Bình luận (0)