Viện Khoa học hình sự giúp thẩm định tranh thật - giả

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
09/10/2018 09:13 GMT+7

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm (Bộ VH-TT-DL), cho biết đã có thỏa thuận để Viện Khoa học hình sự giúp thẩm định tranh thật - giả.

Nghi ngờ từ sắc sơn, sợi vải
Bảo tàng Mỹ thuật VN đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn 1 năm thì đóng cửa vì không có đầu vào, không có khách hàng, không có nhà đấu giá nào, sưu tập nào mang tranh đến thuê giám định
Họa sĩ Lê Thiết Cương
Nhiều họa sĩ đã cùng trao đổi về bức tranh lụa Gia đình của danh họa Lê Phổ trước khi nhà Sotheby’s Hồng Kông mang đấu giá trong phiên đấu hồi tháng 10. Có ý kiến cho rằng, bức tranh này “lạ”. Lạ không chỉ vì hòa sắc, mà còn vì tuy nhìn khá cũ nhưng lại quá ít dấu vết thời gian, khác với những bức lụa đã 70 - 80 năm của tác giả này. Bên cạnh nét vẽ, màu sắc, những câu hỏi về chất liệu, họa phẩm sử dụng trong tranh cũng được nhiều người đặt ra từ lâu khi xem xét độ thật - giả của tranh.
Còn nhớ, họa sĩ đồng thời là nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hòa đã băn khoăn về bức Mùa gặt của danh họa Dương Bích Liên trong Bảo tàng Mỹ thuật VN cách đây chừng 10 năm. Ông thấy bức họa này đột nhiên khác đi so với bức ông vẫn hay ngắm trước đó. “Vẫn là biển lúa với mẹ con nông dân nhưng mặt tranh khác hẳn, không còn độ óng tự nhiên của chất sơn Pháp hảo hạng... Xem thật kỹ mặt toan, tôi thấy đây chỉ là toan hạng thấp, hồ chưa kín nên có không ít lỗ thủng nhỏ, đồng thời có nhiều hạt lỗi sợi vải nổi lên, đây là điều bất cập so với thời điểm ra đời của bức tranh. Xin lưu ý, tranh này vẽ xong năm 1954, khi mà ở nước ta chỉ có nguồn sơn và toan Pháp mà thôi, nhất là danh họa lại có điều kiện vì gia đình khá giả nên chắc không dùng loại sơn và toan cấp thấp”, ông Hòa khi đó nêu phỏng đoán.
Cách đặt vấn đề từ chất liệu, vật liệu này hiện đang được kỳ vọng là sẽ lấp đi khoảng trống trong thẩm định tranh chỉ bằng mắt thường. Chẳng hạn, TS vật lý cũng là họa sĩ Nguyễn Đình Đăng cho rằng vụ lùm xùm tranh Tạ Tỵ - Thành Chương có thể phân định thật - giả được bằng phương pháp đo hàm lượng carbon C14. Bằng cách này có thể xác định tác phẩm vẽ năm 1952 (nếu là tranh Tạ Tỵ) hay năm 1970 (nếu là tranh của Thành Chương).
Cũng theo ông Đăng, có thể căn cứ vào các lớp vẽ sơn dầu để xác định tác phẩm có thuộc thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương hay không nếu áp dụng công nghệ tiên tiến như phương pháp đo phổ khối trên máy gia tốc.
Kết hợp chuyên gia và kỹ thuật
Họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng, chúng ta nên nghiêm túc coi thẩm định tác phẩm nghệ thuật là một nghề. Theo ông Cương, nghề này ở VN đã chịu nhiều thăng trầm. “Bảo tàng Mỹ thuật VN đã có phòng giám định các tác phẩm nghệ thuật. Khai trương được hơn 1 năm thì đóng cửa vì không có đầu vào. Tức là không có khách hàng, không có nhà đấu giá nào, sưu tập nào mang tranh đến thuê giám định”, ông cho hay.
Ông Nguyễn Đức Hòa từng đề xuất cần có ngân hàng mẫu vân tay của các danh họa. Với loại mẫu vân tay thì bất chấp kẻ gian có làm giả chữ ký giống đến đâu đi chăng nữa hay tranh không có chữ ký thì ta vẫn có thể xác định được tác giả. Bên cạnh đó, cần có đội ngũ chuyên gia tinh tường tiểu sử nghệ thuật của từng danh họa đến mức thuộc phong cách, bút pháp, hiểu thói quen, nắm vững thời điểm ra đời của tác phẩm, thông thạo khuôn khổ tranh gốc chính xác.
Mới đây, Bộ VH-TT-DL đã thành lập Trung tâm giám định và triển lãm tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh. Trung tâm thuộc Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Triển lãm, hoạt động độc lập, có tài khoản, con dấu. “Bộ cũng thành lập hội đồng giám định rồi. Hội đồng gồm 3 hội đồng nhỏ. Giám định tác phẩm hội họa, đồ họa do họa sĩ Lương Xuân Đoàn đứng đầu. Hội đồng điêu khắc và nghệ thuật sắp đặt do PGS Vương Học Báo đứng đầu. Hội đồng nghệ thuật nhiếp ảnh do ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh VN đứng đầu”, ông Vi Kiến Thành nói.
Về kỹ thuật, ông Thành cho biết đã làm việc với Viện Khoa học hình sự Bộ Công an. “Cái gì mình cần thì người ta đáp ứng được hết. Thí dụ, họ có thể thẩm định chất liệu sơn, chất liệu vải toan, thẩm định được năm tuổi của gỗ. Vì thế, chúng tôi không đặt vấn đề tự mua trang thiết bị nữa và sẽ nhờ họ. Chúng tôi sẽ ký hợp đồng nguyên tắc với Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, sau đó có vụ việc gì cụ thể thì lại hợp đồng sau”, ông Thành nói. Tuy nhiên, theo ông, trung tâm chỉ sử dụng máy móc khi hội đồng không tự tin thẩm định được. Do có trường hợp bằng mắt thường cũng có thể kết luận được nên không phải trường hợp nào cũng sử dụng máy móc.
Ông Thành cho hay hiện tại trung tâm đã có đơn hàng từ phía các gallery. Tuy nhiên, đơn vị này cũng đang xây dựng bảng giá để chính thức vận hành vào tháng 11 này.
Bức tranh trị giá 1,04 triệu bảng Anh tự hủy ngay sau khi đấu giá
Viện Khoa học hình sự giúp thẩm định tranh thật - giả
Ảnh: The guardian
Bức tranh Girl With Balloon (Bé gái và quả bóng bay) của họa sĩ người Anh Banksy đã tự hủy trước mặt của mọi người trong buổi đấu giá tại nhà cái Sotheby’s (London, Anh) sau khi vừa được bán ra với giá 1,04 triệu bảng Anh (hơn 31 tỉ đồng) (ảnh).
Trong đoạn video clip đăng tải trên trang Instagram, họa sĩ Banksy cho biết ông đã lắp đặt thiết bị hủy tài liệu bên trong bức tranh cách đây vài năm. Lý do của việc ông phá hủy bức tranh là vì muốn ngăn chặn nó bị mang đi đấu giá. Họa sĩ Banksy trích lại lời của danh họa Picasso để chú thích cho đoạn video clip: “Ham muốn phá hủy cũng là cách để thúc đẩy sự sáng tạo”. Bức tranh Girl With Balloon vẽ trên chất liệu canvas, được hoàn thành năm 2006.
Nhiều người đang tò mò là không biết có phải chính tay Banksy bấm nút hủy bức tranh hay không, vì không ai có thể xác định được họa sĩ này có mặt hay không có mặt trong buổi đấu giá. Banksy là nghệ danh của họa sĩ này, không ai biết gương mặt thật cũng như tên thật của ông. Các tác phẩm của họa sĩ Banksy thường xuất hiện ở đường phố, những bức tường và cây cầu ở các thành phố khác nhau trên khắp thế giới.
Diễm Thư

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.