(TNO) Nhận định hành vi 'hô biến' thiết bị lặn lên gấp 1.300 lần của ông Hảo và đồng phạm là 'tha hóa, biến chất', đại diện Viện KSND TP.HCM đề nghị 3 mức án tử hình, 3 mức án chung thân.
|
Sau 3 ngày xét xử vụ án tham ô xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II (ALC II) - thuộc Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, chiều 18.9, Viện KSND TP.HCM đề nghị 3 mức án tử hình đối với ông Vũ Quốc Hảo (59 tuổi, nguyên Giám đốc ALC II); Phạm Minh Tuấn (56 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cát Long Hải); Hoàng Lộc (49 tuổi, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Giám định, thẩm định Việt Nam) cùng về tội "Tham ô tài sản".
Theo cơ quan công tố, bị cáo Hảo là người đóng vai trò chủ mưu, cầm đầu. Nếu không có sự giúp sức của hai bị cáo Phạm Minh Tuấn và Hoàng Lộc thì Hảo không thể thực hiện được hành vi phạm tội.
Việc lợi dụng chức vụ quyền hạn, nâng khống thiết bị lặn từ 100 triệu lên đến 130 tỉ đồng gây búc xúc cho dư luận, xét thấy hành vi này nguy hiểm cho xã hội, cần phải loại bỏ các bị cáo ra khỏi xã hội mới đủ tính răn đe và làm gương cho người khác, đại diện Viện KSND nói.
Đối với các bị cáo Vũ Đức Hòa (nguyên Giám đốc Công ty Cát Long Hải); Lê Thị Minh Huệ (nguyên kế toán trưởng Công ty Cát Long Hải); Lê Phúc Đức (nguyên trưởng phòng thẩm định, Công ty cổ phần thẩm định, giám định Việt Nam) Viện KSND đề nghị cùng mức án tù chung thân. Theo Viện KSND, ba bị cáo này cũng giúp sức đắc lực cho Hảo thực hiện hành vi phạm tội.
Các bị cáo thuộc lãnh đạo cấp dưới của Công ty ALC II gồm: Nguyễn Văn Tài (nguyên Phó tổng giám đốc); Phạm Xuân Nghị (nguyên Trưởng phòng cho thuê tài chính); Đinh Nguyên Tý (nguyên Phó phòng Cho thuê tài chính); Nguyễn Văn Thọ (nguyên Phó trưởng phòng cho thuê tài chính) bị đề nghị từ 18 - 20 năm về tội "Tham ô tài sản".
Cùng tội danh trên, bị cáo Phùng Văn Đồng (nguyên Phó phòng kinh doanh 1) bị đề nghị mức án từ 15 - 16 năm tù.
Theo Viện KSND, ở phần xét hỏi một số bị cáo phủ nhận nội dung cáo trạng. Tuy nhiên, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ, lời khai tại cơ quan điều tra, đủ căn cứ để truy tố các bị cáo về hành vi tham ô tài sản.
Tại tòa, bị cáo Hảo thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, bị cáo đề nghị HĐXX xem xét về mặt tội danh cho bị cáo, bởi Hảo cho rằng mình không tư lợi cá nhân trong số tiền 130 tỉ đồng.
Theo cáo trạng, tháng 11.2006, ông Vũ Quốc Hảo được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc điều hành ALC II. Ngoài ra, ông Hảo thành lập thêm Công ty cổ phần Cát Long Hải và giao cho các cổ đông là Phạm Minh Tuấn, Vũ Đức Hòa đứng tên trên danh nghĩa. Để có tiền đầu tư kinh doanh bất động sản và giải quyết nợ xấu cho một số đối tác, ông Hảo đã dùng thiết bị lặn Tinro 2 của Công ty Cát Long Hải để nâng khống giá rồi bán lại cho ALC II nhằm hợp pháp hóa việc giải ngân tiền. Vì thiết bị này không có giấy tờ đăng ký, đăng kiểm về hàng hải, ông Hảo đã bàn với Phạm Minh Tuấn thuê tàu vận chuyển thiết bị này ra Hải Phòng, rồi cố tình cho hải quan bắt giữ, bán đấu giá để mua lại với giá 100 triệu đồng. Khi có giấy tờ hợp pháp, ông Hảo chỉ đạo Tuấn liên hệ với Hoàng Lộc (nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần giám định, thẩm định Việt Nam - Vivaco) nhằm thẩm định, nâng khống giá thiết bị tàu lặn từ 100 triệu lên đến 130 tỉ đồng để bán lại cho ALC II. Sau khi giải ngân 130 tỉ đồng này, ông Hảo chỉ đạo mua lại mảnh đất thuộc trạm dừng chân miền Tây tại Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) giá 79 tỉ đồng. Còn lại dùng chi vào việc sửa chữa, bảo hiểm cho thiết bị, trả nợ hợp đồng thuê tài chính của Công ty Cát Long Hải và ALC II. Xác định thiệt hại mà ông Hảo và đồng phạm gây ra trong vụ án này là hơn 82 tỉ đồng. |
Tin, ảnh: Ngọc Lê
>> Hủy một phần bản án vụ tham nhũng xảy ra tại ALC II
>> Tuyên án hai giám đốc chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng của ALC II
>> Đề nghị tử hình cựu Tổng giám đốc ALC II
>> Vụ tham nhũng tại ALC II: Cán bộ yêu cầu chi 5% tiền 'lobby
>> Vụ tham nhũng tại ALC II: 10 hợp đồng khống giải ngân gần 800 tỉ đồng
Bình luận (0)