(iHay) Cách thành phố Tuy Hòa 35km về phía Bắc, nhà thờ đá Mằng Lăng được ví như 'viên ngọc quý' của Phú Yên. Ngoài sự cổ kính, kiến trúc độc đáo, nơi đây còn lưu giữ nhiều hiện vật vô giá.
Nhà thờ Mằng Lăng nổi bật với màu xanh xám trên nền trời xanh ngắt
|
Nhà thờ đá Mằng Lăng được xếp vào danh sách những điểm “không thể không đến” khi ghé thăm xứ sở “hoa vàng cỏ xanh” Phú Yên. Nhà thờ đã có tuổi đời 123 năm (xây dựng năm 1892) này vẫn giữ được vẻ vẹn nguyên, hầu như ít bị tác động bởi thiên nhiên hay bàn tay con người. Mằng Lăng cũng là một trong những nhà thờ lâu đời nhất của Việt Nam.
Được xây dựng trên khuôn viên rộng 5.000m2, theo kiến trúc gothic, nếu quan sát từ xa nhà thờ Mằng Lăng vừa mang dáng vẻ cổ kính nhưng cũng không kém phần nổi bật bởi toàn bộ được sơn màu xanh xám. Nhà thờ có kiến trúc cân xứng hai bên là lầu chuông, chính giữa là thập tự giá. Tất cả tạo nên sự hài hòa, nổi bật trên nền trời xanh nhưng hòa hợp với khung cảnh giản dị nơi làng quê với khuôn viên rợp mát bóng cây.
Sở dĩ nhà thờ có tên Mằng Lăng bởi cách đây hơn 100 năm, khi khu vực này còn rất hoang sơ có một loại cây mọc rất nhiều, tán phủ rộng, lá cây hình bầu dục, hoa mọc chùm nở ra màu tím hồng gọi là mằng lăng. Hiện, loài cây ấy dù không còn nhưng vào thời điểm nhà thờ được xây dựng, cái tên Mằng Lăng cũng xuất phát từ đó. Trong nhà thờ còn lưu giữ một bàn gỗ mặt tròn làm bằng gỗ mằng lăng từ thuở vừa xây dựng, có đường kính đến 1,5m.
Trải qua 123 năm, nhà thờ Mằng Lăng vẫn giữ được nét kiến trúc độc đáo với nhiều họa tiết hoa văn tinh xảo từ phần mặt trước cho đến cửa chính, các chi tiết trên các cột, trần nhà. Cánh cửa gỗ màu nâu được chạm khắc những hình hoa, lá tuy giản dị nhưng sống động, thể hiện sự tài hoa của người chế tác. Hầu hết các họa tiết ở Mằng Lăng đều được sơn màu vàng hay màu xanh biển nhạt tạo cảm giác hài hòa, mát mắt. Bên trong chánh điện được chia thành 3 gian, xếp bàn ghế ngay ngắn phục vụ các nghi lễ lớn, nhỏ.
Ghé nhà thờ đá Mằng Lăng vào ngày hè nóng bức, sau khi bước qua cánh cổng sắt với những bức tượng được đặt bên ngoài, bạn có cảm giác mát mắt bởi toàn bộ không gian rợp mát bóng cây. Những tán cây lớn nhỏ phủ bóng như lá phổi điều hòa cho nơi này. Đặc biệt, trên những thân cây người ta treo rất nhiều ống nứa, tạo thành bản nhạc vui tai.
Từ lối vào, nếu nhìn sang bên trái, du khách sẽ thấy một quả đồi giả được dựng lên, có cánh cửa dẫn vào khu hầm nhỏ. Được biết, nơi đây có nhiều điêu khắc chạm trổ kể lại những câu chuyện về thánh Anre Phú Yên. Hầm vẫn được mở cho du khách vào tham quan, nhưng rất tiếc trong chuyến hành trình của mình, chúng tôi đã bỏ lỡ cơ hội này.
Chúng tôi càng tiếc nuối hơn khi không được tận mắt chứng kiến cuốn sách chữ quốc ngữ đầu tiên - Phép giảng tám ngày của linh mục Alexandre de Rhodes in năm 1651 tại Roma, Ý còn được lưu giữ tại đây. Cuốn sách hiện được cất trong tủ kính và bảo quản cẩn thận trong hầm này.
Khuôn viên nhà thờ nhìn từ bên ngoài với cánh cổng giản dị và bức tường đá
|
Những bức tượng được đặt trước lối vào cổng
|
Ngọn đồi giả bên dưới có hầm, nơi chứa cuốn sách bằng chữ quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam
|
Những họa tiết kiến trúc ở nhà thờ Mằng Lăng đơn giản nhưng tinh tế
|
Khuôn viên trong nhà thờ xanh mát bóng cây
|
Cánh cửa gỗ màu nâu với các họa tiết tinh xảo
|
Ngước nhìn lên, màu xanh xám của nhà thờ mê hoặc du khách
|
Cánh cửa gỗ dẫn vào thánh đường bên trong với các họa tiết nổi bật
|
Thánh đường bên trong nhà thờ Mằng Lăng
|
Nhìn ở góc nào, nhà thờ Mằng Lăng cũng hiện lên nét trầm mặc, cổ kính
|
Dàn ống nứa được treo trong khuôn viên nhà thờ tạo cảm giác vui mắt, vui tai
|
Diễm Thư
>> Về Phú Yên ăn hàu Ô Loan
>> Đầu năm du ngoạn Phú Yên
Bình luận (0)