Viễn thông vào cuộc đua cước “tiền lẻ”

02/11/2012 06:10 GMT+7

Chỉ 440 - 590 đồng cho một phút gọi hay 30 - 75 đồng với mỗi SMS - dưới nhiều hình thức khác nhau, các nhà mạng lớn nhỏ đang tung giá cước vài trăm lẻ để “hút” thuê bao.

Đa dạng cước “tiền lẻ”

Giảm 50, 70% giá so với thời kỳ sơ khai, còn 1.000 - 2.500 đồng mỗi phút thoại, viễn thông dần phổ biến sau cuộc cạnh tranh khốc liệt của các nhà mạng để giành thị phần. Chưa dừng bước, sau một thời gian “chững lại”, mới đây cước dịch vụ này tiếp tục có chiều hướng giảm.

Đơn cử mới đây, Vinaphone tung ưu đãi toàn diện cho học sinh, sinh viên. Trong đó, ngoài việc tặng 30.000 đồng vào tài khoản thuê bao, 100 tin nhắn nội mạng, 20.000 đồng cước data, giá gói Mobile Internet không giới hạn MAXS chỉ 20.000 đồng cho mỗi tháng, nhà mạng này còn ưu đãi mức cước thoại và nhắn tin rẻ chỉ bằng 30 - 50% so với bình thường. Cụ thể, sau khi đăng ký, sinh viên cùng một thành phố liên lạc với nhau chỉ 590 đồng mỗi phút, giá gọi đến 5 thuê bao thân thiết được giảm 70%, tương ứng vài trăm đồng một phút.

Không riêng thoại, thuê bao hưởng trọn bộ ưu đãi trên còn có thể đăng ký gói SMS 100 - gửi 100 tin nhắn nội mạng với giá 3.000 đồng (30 đồng mỗi SMS). Việc giảm 30 - 70% cước hiện hành cho toàn bộ dịch vụ thoại, SMS, 3G khiến sản phẩm mới của Vinaphone có giá phút gọi, tin nhắn chỉ tính bằng vài trăm đồng lẻ, trở thành một trong những gói thu hút nhiều học sinh, sinh viên nhất hiện nay.

Trước đó, MobiFone cũng tung ra gói cước siêu rẻ song hướng đến khách là các doanh nghiệp, doanh nhân - dịch vụ M-Business. Cụ thể, các công ty có từ 5 thuê bao trở lên, khi đăng ký nhóm được giảm 45% cước thoại nội bộ (từ 440 đồng mỗi phút), tặng 30 - 50 tin nhắn miễn phí cho mỗi thuê bao thành viên, chiết khấu thương mại 7 - 12%. Thuê bao đại diện cho nhóm 10 người trở lên còn được nhận tiền thưởng vào tài khoản mỗi chu kỳ tính cước và khi số thuê bao tăng dần lên.

Không riêng các đại gia di động, mới đây quay trở lại thị trường với tên thương hiệu mới - Gmobile, mặc dù kiên định theo con đường “tỉ phú hóa người dùng di động” song Beeline cũ vẫn dùng cước tiền lẻ để “câu” thuê bao. Bằng chứng là ngoài tài khoản nội mạng 1 tỉ đồng dùng trong 10 năm, Tỉ phú 3 của Gmobile còn giảm cước liên lạc ngoại mạng xuống 670 mỗi phút và 75 đồng một SMS.

Các gói cước giá rẻ tiếp tục được khai thác

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực viễn thông, từ khi có cạnh tranh, cước thoại, nhắn tin đã giảm rất nhiều. Điều này cùng với giá máy đầu cuối ngày càng rẻ khiến điện thoại di động dần trở nên phổ biến, phục vụ đắc lực cho nhu cầu của cuộc sống. Tuy nhiên, đến một ngưỡng nhất định, Bộ Thông tin và Truyền thông buộc phải siết chặt quy định để tránh phá giá, đưa thị trường phát triển ổn định, bền vững. Đó là lý do sau một thời gian cạnh tranh khốc liệt về cước, thời gian qua, cuộc đua này dần lắng xuống. Song, cước chưa bao giờ là vấn đề bớt nóng với viễn thông nói riêng và các dịch vụ khác nói chung. Theo đó, việc đưa ra giá rẻ dưới hình thức cả gói cước hay lồng ghép trong một hoặc nhiều ưu đãi luôn được các nhà mạng nghiên cứu. Điều này vừa giúp “vét” thuê bao còn sót lại của thị trường, vừa hữu ích với người dùng điện thoại. “Việc một số dịch vụ rẻ được tung ra hé lộ cước viễn thông trong tương lai có thể còn tiếp tục rẻ nữa”, chuyên gia này dự đoán.

Trong khi đó, đại diện Vinaphone cho hay, việc mới đây doanh nghiệp tung ưu đãi trọn bộ giá rẻ dành cho học sinh, sinh viên nhằm hỗ trợ các bạn trẻ dịp tựu trường - thời điểm có nhiều khoản kinh phí phải lo lắng. “Dịch vụ giá rẻ sẽ được nhà mạng tiếp tục nghiên cứu và đưa ra nếu được sự cho phép để phục vụ khách hàng, trước mắt, sinh viên là đối tượng cần liên lạc, xài 3G nhiều nhưng chưa chủ động về kinh tế nên chúng tôi ưu tiên hỗ trợ trước”, đại diện của Vinaphone nói.

THÔNG TIN DỊCH VỤ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.