Việt kiều với bầu cử ở Thái Lan

08/07/2011 21:41 GMT+7

Người gốc Việt ở Thái Lan cũng tích cực tham gia bầu cử với hy vọng lá phiếu của mình sẽ góp phần mang lại ổn định cho nước này.

Người Việt sinh sống ở Thái Lan phần lớn đến từ trước năm 1945 nên con cháu của họ được xem là công dân Thái và được quyền đi bầu. Cộng đồng Việt kiều tập trung chủ yếu ở đông bắc Thái Lan và rải rác ở thủ đô Bangkok. Trao đổi với Thanh Niên, bà Vũ Ánh Tuyết, Phó chủ tịch Hội Việt Nam - Thái Lan, cho biết hầu hết người gốc Việt đều hứng thú với cuộc bầu cử và không bỏ qua cơ hội thực hiện quyền công dân. “Việt kiều ở Thái không tham gia hoạt động chính trị hay các đảng phái nhưng cũng đi bầu rất tích cực”, bà Tuyết nói. Bà Tuyết sinh trưởng ở vùng đông bắc và đến Bangkok để lập nghiệp với một nhà hàng Việt Nam. Bà cho hay hầu hết người gốc Việt ở đông bắc đều ủng hộ đảng Puea Thai, đảng sẽ lãnh đạo liên minh cầm quyền sắp tới.

 
Dư luận, bao gồm người gốc Việt ở Thái Lan, đang theo dõi sát sao những động thái sắp tới của nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra - Ảnh: AFP

Bà Đỗ Hà, giảng viên của Đại học Chulalongkorn, giải thích thêm rằng Puea Thai rất  quan tâm đến thành phần lao động và từ đầu nhiều Việt kiều dự đoán đảng này sẽ chiến thắng. “Chúng tôi không quá bất ngờ về kết quả đó,” ông Lê Hữu Tâm, 56 tuổi, Giám đốc Công ty xây dựng Chaiyo cho hay. Ông Tâm nói Việt kiều ở Thái Lan cũng ấn tượng với hình ảnh của nữ thủ tướng tương lai Yingluck Shinawatra dù có ý kiến cho rằng những hoạt động tranh cử của bà đều được anh trai là cựu thủ tướng bị lật đổ Thaksin hỗ trợ kỹ lưỡng. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hanh, giám đốc một công ty trang trí nội thất, lại tiết lộ Việt kiều ở Bangkok phần lớn ủng hộ Thủ tướng sắp mãn nhiệm Abhisit Vejjajiva và cho rằng bà Yingluck còn thiếu kinh nghiệm chính trị.

Cuộc bầu cử ở Thái Lan đã kết thúc với chiến thắng thuộc về Puea Thai và bà Yingluck. Điều Việt kiều quan tâm nhất hiện nay là các chính sách hòa giải, ổn định và phát triển đất nước. Ông Le Dilocvittayarat, một giảng viên đại học gốc Việt đã nghỉ hưu, lo ngại chính sách mà Puea Thai cam kết khi tranh cử như tăng lương tối thiểu 300 baht/ngày (hiện nay khoảng 200 baht/ngày) và lương cho sinh viên mới tốt nghiệp ra trường 15.000 baht/tháng sẽ tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp và xã hội. “Tuy nhiên, nếu không thực hiện lời hứa đảng Puea Thai sẽ phải đối mặt với những cuộc “phản công” của những người từng ủng hộ mình như phe áo vàng từng làm với đảng Dân chủ”, ông Le nhận định.

Sau khi đắc cử, bà Yingluck đã lên kế hoạch hoạt động cho chính phủ mới. Điều đầu tiên mà nữ thủ tướng tương lai muốn thực hiện là chính sách hòa giải dân tộc bằng việc tổ chức một đại lễ mừng thọ 84 tuổi cho đức vua Bhumibol Adulyadej nhằm thu hút tất cả người dân và đảng phái. Kế đến là giảm chi phí sinh hoạt, tăng thu nhập cho người dân và đẩy mạnh đầu tư công để tạo phúc lợi xã hội. 

Đảng Dân chủ đòi giải tán Puea Thai

Đảng Dân chủ của Thái Lan hôm qua bắt đầu tiến hành thủ tục pháp lý yêu cầu giải tán đảng Puea Thai, theo AFP. Đảng Dân chủ là đảng cầm quyền ở nước này từ năm 2008 nhưng đã mất vị thế này sau thất bại trước Puea Thai trong cuộc tổng tuyển cử hồi đầu tháng.

Đảng Dân chủ đưa ra lý do khởi kiện là Puea Thai đã cho phép những người đang chịu lệnh cấm làm chính trị tham gia hoạch định chính sách, phát biểu và chọn ứng viên cho cuộc bầu cử vừa qua. “Chúng tôi yêu cầu Ủy ban Bầu cử đề nghị Tòa án Hiến pháp giải thể đảng Puea Thai”, ông Wiratana Kalayasiri, người đứng đầu bộ phận pháp chế của đảng Dân chủ cho AFP hay. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định vụ kiện này sẽ mất rất nhiều thời gian và sẽ không cản trở bà Yingluck Shinawatra trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan. 

Văn Khoa

Minh Quang
(VP Bangkok)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.