(TNO) Ông Yasuzimi Hirokata, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (JETRO), cho hay đang có làn sóng doanh nghiệp Nhật ở Thái Lan muốn chuyển sang đầu tư ở các nước lân cận và Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này để thu hút đầu tư.
|
Sang Thái Lan mời gọi nhà đầu tư
- Ông cho biết lý do tại sao có làn sóng doanh nghiệp Nhật Bản ở Thái Lan chuyển sang đầu tư ở Việt Nam?
Mức lương ở Thái Lan trả cho công nhân cao gấp đôi so với ở Việt Nam. Từ đó có một số doanh nghiệp ở Thái Lan di chuyển phần sản xuất sang các nước Lào, Campuchia, Việt Nam. Tuy nhiên chúng tôi khảo sát thì thấy ở Lào và Campuchia nhân lực trình độ cao rất ít, không bằng Việt Nam.
Phía JETRO có khuyến cáo doanh nghiệp Nhật nên đầu tư vào miền Nam của Việt Nam. Ở đây có khoảng cách địa lý gần với Thái Lan và nhân lực trình độ cao nhiều hơn.
- Vậy theo ông, phía Việt Nam cần phải làm gì để đón đầu số doanh nghiệp Nhật đang có ý định chuyển hướng đầu tư này?
Số liệu khảo sát của JETRO cho thấy trong chi phí đầu vào sản xuất của doanh nghiệp Nhật ở Việt Nam thì chi phí nhà xưởng chiếm 13%, nguyên vật liệu chiếm hơn 62%, còn lại là chi phí khác. Đáng chú ý, Việt Nam chỉ đáp ứng gần 28% nguyên liệu tại chỗ, còn lại doanh nghiệp Nhật Bản phải đưa từ nước ngoài qua khiến cho chi phí giá thành cao hơn. Nguyên liệu đáp ứng tại chỗ ở Việt Nam chỉ bằng 1/2 so với thị trường Trung Quốc, Thái Lan. Khảo sát về lương của JETRO năm 2012, lương công nhân ở Thái Lan là 6.704 USD/người/năm và ở Việt Nam là 2.602 USD/người/năm. Với cấp quản lý, lương ở Thái Lan là 27.204 USD/người/năm và ở Việt Nam là 12.245 USD/người/ năm.
Vấn đề trước mắt Việt Nam nên tiến hành là cung cấp thông tin cho doanh nghiệp Nhật Bản. Thậm chí doanh nghiệp Việt Nam nên sang Thái để giới thiệu môi trường đầu tư từ đó thu hút nhà đầu tư Nhật sang Việt Nam đầu tư.
Nếu cần thiết, phía JETRO sẽ đứng ra làm cầu nối cho các bên tìm hiểu để từ đó hiểu rõ nhau hơn về yếu tố chính sách, thị trường, hàng hóa. Nếu mình làm tốt vấn đề thông tin thì mới có thể thúc đẩy làn sóng đó được.
Phát triển công nghiệp phụ trợ
- Ông từng nói cái yếu nhất của Việt Nam là ngành công nghiệp phụ trợ khiến nhà đầu tư nước ngoài phải mất tốn nhiều chi phí hơn khi đầu tư vào đây. Vậy Việt Nam cần khắc phục hạn chế này như thế nào?
Yếu tố quan trọng nhất là làm sao để các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được những tiêu chuẩn của quốc tế và bản thân các doanh nghiệp Việt Nam có thể sản xuất được sản phẩm để cung cấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra, Nhà nước cần có những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển. Hiện tại đã có rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài làm việc ở Việt Nam. Đây là yếu tố rất tốt để doanh nghiệp Việt Nam kết hợp với doanh nghiệp nước ngoài nhằm nâng cao kỹ thuật của mình.
- Nhật Bản có chính sách hỗ trợ Việt Nam phát triển nền công nghiệp phụ trợ hay không?
Nhật Bản sẽ có những sự hỗ trợ nhất định. Tuy nhiên Chính phủ Việt Nam cần tập trung để phát triển doanh nghiệp nội địa trong ngành công nghiệp phụ trợ để bắt kịp các nước khác. Về phía chúng tôi sẽ hợp tác đào tạo nhân sự trong ngành này cho Việt Nam.
Nhật Bản dẫn đầu vốn FDI Năm 2013, cả nước có 1275 dự án vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) với tổng vốn 14,272 tỉ USD, tăng 70,5% so với cùng kỳ năm 2012 và 472 dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 7,355 tỉ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ năm 2012. Nhật Bản vẫn là nước dẫn đầu với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 5,747 tỉ USD, chiếm 26,6% tổng vốn đầu tư FDI tại Việt Nam. |
Đình Quân
>> Vốn FDI vượt con số 20 tỉ USD
>> Vốn FDI đăng ký mới tăng tới 79%
>> TP.HCM: Vốn FDI đăng ký mới tăng mạnh
>> Vốn FDI tăng trưởng trở lại
>> Nhà đầu tư Nhật Bản chiếm gần 50% vốn FDI của Việt Nam
>> Nhà đầu tư Nhật Bản chiếm 47% vốn FDI vào Việt Nam
Bình luận (0)