Ông Huy Nguyễn có phần trình bày tại buổi lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM và Hiệp hội Blockchain Việt Nam ngày 23.8, trong khuôn khổ buổi lễ đã diễn ra tọa đàm với chủ đề “Blockchain trong Giáo dục và Đào tạo: Cơ hội và Tương lai của Việt Nam”. Tại đây, ông Huy chia sẻ về hiện trạng blockchain Việt Nam, quá trình phổ cập và cơ hội dành cho sinh viên.
Blockchain rộng mở cho sinh viên ngành tài chính
Ông Huy Nguyễn cho biết, phần lớn ứng dụng blockchain nằm trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Tính chất an toàn, tự động, minh bạch của blockchain có thể giúp rút giảm chi phí và thời gian, loại bỏ quy trình thủ công, an toàn để ứng dụng vào việc thanh toán, gây quỹ, xác minh danh tính, tín dụng và cho vay…
Ông Huy Nguyễn trong phần trình bày “Blockchain trong Giáo dục và Đào tạo: Cơ hội và Tương lai của Việt Nam” |
Theo ông, sự phát triển của công nghệ blockchain có thể được đo lường qua những con số cụ thể: Hơn 100 ngân hàng trung ương đang nghiên cứu CBDC dựa trên blockchain (Atlantic Council); hơn 30 tỉ USD đang được đầu tư vào các startup blockchain (báo cáo của KPMG) và hơn 50 lĩnh vực có thể ứng dụng blockchain. Với tốc độ phát triển nhanh và rộng như vậy, việc thiếu hụt nhân lực là điều có thể dễ dàng dự đoán trước.
Trước làn sóng lớn của thế giới, Việt Nam cũng không hề kém cạnh khi trong danh sách 500 công ty về blockchain lớn nhất thế giới có 7 công ty đến từ Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng xem blockchain là một trong những công nghệ lõi phục vụ cho chuyển đổi số.
Thế nhưng các trường đại học ở Việt Nam chưa có đào tạo chính quy về blockchain, hầu hết là những người tự học, tay ngang rẽ từ ngành khác sang, hoặc học từ nước ngoài.
Blockchain không chỉ dành cho người trong ngành IT, mà những người làm về tài chính, vận hành, kinh doanh… cần hiểu về blockchain hơn ai hết. Ông khẳng định nhu cầu về nhân lực non-tech (không thuộc lĩnh vực công nghệ) như kế toán, kiểm toán, thẩm định giá, quản lý rủi ro trong ngành này sẽ sớm bùng nổ. Chưa kể, mức lương của các vị trí công việc không thiên về kỹ thuật trong ngành blockchain cũng cao hơn 10% so với các lĩnh vực khác.
Tự mò mẫm trong ngành blockchain là điều tốt
Trong phần hỏi đáp, có ý kiến so sánh sự tương đồng giữa quá trình phát triển blockchain và internet. Như vậy, liệu Việt Nam nên đầu tư trực tiếp cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật blockchain hay nên đầu tư vào cách khai thác, ứng dụng blockchain?
Ông Huy Nguyễn đồng tình với chia sẻ này và cho biết những người tham gia internet ngày xưa buộc phải hiểu TCP/IP là gì, cũng như người tham gia blockchain ngày nay phải biết cách dùng private key, public key (khóa riêng tư, khóa công khai), phải hiểu consensus (đồng thuận). Nhưng khi internet phát triển rực rỡ, những người dùng cuối (end user) không cần hiểu kỹ thuật mà chỉ cần dùng sản phẩm cuối cùng, và trong tương lai mọi người kỳ vọng blockchain sẽ sớm phổ biến như internet.
Trả lời câu hỏi nên đầu tư vào kỹ thuật hay ứng dụng blockchain, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết: “Đúng là trong lĩnh vực ngân hàng, chúng ta nên tập trung vào ứng dụng nhiều hơn cơ sở hạ tầng, nhưng nếu chúng ta không hiểu bản chất blockchain thì cũng khó làm ứng dụng”.
“Vì sao 30 năm rồi Việt Nam không thể đi đầu? Vì chúng ta chỉ hiểu một công nghệ khi nó đã quá rõ ràng. Khi một công nghệ phát triển mạnh thì Việt Nam mới bắt đầu tham gia. Cách duy nhất để đi đầu về công nghệ là tìm hiểu nó ngay từ lúc còn chưa có sẵn đường đi. Tự mò mẫm cũng là một tín hiệu lạc quan cho thấy chúng ta đang bắt kịp thế giới”, ông Huy chia sẻ.
Bổ sung cho quan điểm của ông Huy Nguyễn, ông Trần Dinh - Ủy viên ban Fintech của Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng các bạn sinh viên nên đặt câu hỏi blockchain ứng dụng như thế nào trong ngành của mình, không nên quá quan tâm đến những crypto, NFT. Theo ông, đó mới là chiếc vé để chúng ta bắt kịp chuyến tàu công nghệ thế giới.
Bình luận (0)