Việt Nam chế tạo thành công người máy phục vụ trong khu cách ly phòng dịch Covid-19

Vũ Thơ
Vũ Thơ
15/04/2020 12:55 GMT+7

Sau 15 ngày nghiên cứu, một nhóm nhà khoa học trẻ thuộc Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã chế tạo thành công người máy làm công việc khử khuẩn, đưa cơm, phát thuốc... trong khu cách ly của bệnh viện.

Ngày 15.4, Robot NaRoVid tên của “người máy” tự hành trong khu cách ly của bệnh viện đã được mang đến ứng dụng thử nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, nơi đang tập trung điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhiều nhất cả nước.
Khi được ra "hiện trường", NaRoVid đã tự động di chuyển trong buồng khám bệnh, len lỏi vào các ngóc ngách của buồng bệnh để phun khử khuẩn và lau sàn nhà. Sau khi thuần thục làm nhiệm vụ, NaRoVid lại tự động về vị trí sạc điện.

Người máy NaRoVid

Ảnh V.T

Chia sẻ về robot này, ông Giang Mạnh Khôi, Phó viện trưởng Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho biết trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát trên phạm vi toàn thế giới, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao Viện Ứng dụng công nghệ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, chế tạo robot hoạt động trong khu cách ly.
Với nỗ lực của các nhà nghiên cứu trẻ, trong hơn 2 tuần, robot mang tên NaRoVid phiên bản 1 đã được chế tạo và có thể thuần thục đảm nhận nhiệm vụ lau sàn nhà khử khuẩn… để thay thế, hỗ trợ nhân viên y tế, tiến tới đưa cơm, phát thuốc, vận chuyển rác cho bệnh nhân với trọng lượng lên tới 50 - 60 kg.

Các thành viên nhóm nghiên cứu vui mừng khi nghiên cứu thành công sản phẩm

Ảnh V.T

Robot NaRoVid được thiết kế nhỏ gọn, đảm bảo tối đa diện tích sàn có thể lau. “Yêu cầu trong phòng cách ly, cứ 30 phút lại lau và khử khuẩn sàn nhà 1 lần, rất tốn thời gian và công sức của nhân viên y tế. Robot NaRoVid có thể phun dung dịch khử khuẩn và lau sàn trong vòng 2 giờ liên tục, đảm bảo thay thế công việc thường xuyên của nhân viên y tế. Ngoài việc giảm rủi ro lây nhiễm, việc sử dụng robot còn tạo điều kiện để nhân viên y tế tập trung thời gian, công sức phục vụ, chăm sóc và điều trị bệnh nhân nặng được tốt hơn”, ông Khôi nói.

Thay thế sức người  

Ông Đỗ Trọng Tấn, Phó giám đốc Trung tâm Vi điện tử và tin học (Viện Ứng dụng công nghệ), đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết phiên bản NaRoVid 1 sử dụng thuật toán di chuyển thông minh, sử dụng cảm biến laser, cảm biến siêu âm và la bàn để định hướng, lập bản đồ và chu trình di chuyển.
"NaRoVid 1 có kích thước 50cm x 60cm x 30cm, có thể di chuyển vào những không gian hẹp; khả năng chứa dung dịch đến 10 lít giúp cho việc tiếp thêm dung dịch khử khuẩn được giãn cách, nếu 30 phút lau 1 lần, robot mất khoảng 15 phút để hoạt động, thì 1 ngày nhân viên y tế chỉ cần 3 lần bổ sung dung dịch khử khuẩn, thay vì phải ra vào phòng bệnh đến 20 lần/ngày nếu lau thủ công", ông Tấn nói.

Ông Đỗ Trọng Tấn và nghiên cứu viên nghiên cứu công nghệ để sản xuất người máy thay thế sức người

Ảnh Vũ Thơ

Ngoài ra, NaRoVid 1 cũng có tính năng di chuyển theo chu trình do người vận hành thiết lập linh hoạt, tự động về vị trí sạc sau khi kết thúc chu trình.
Theo nhóm nghiên cứu, trong thời gian ngắn tới, Viện Ứng dụng Công nghệ sẽ tiếp tục nâng cấp, tối ưu thuật toán, giảm kích thước sản phẩm để chế tạo NaRoVid 2, mang lại những giá trị hỗ trợ tốt hơn trong việc thay thế sức người, giảm nguy cơ lây nhiễm, tăng cường phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, hoàn toàn có thể cải tiến phần cơ cấu phía trên để thực hiện các tác vụ mang đồ ăn, thuốc, rác…. với tải trọng có thể lên đến 50 - 60 kg.
Nói về khả năng sản xuất ứng dụng hàng loạt với robot này, ông Khôi cho hay: “Viện Ứng dụng công nghệ đang phối hợp rất tốt với các đơn vị sản xuất, gia công cơ khí và đã lên phương án chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ các điều kiện cho việc sản xuất các robot với số lượng lớn, đáp ứng kịp thời cho các bệnh viện, khu vực cách ly khi có yêu cầu”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.