Việt Nam chi 1,15 tỉ USD nhập khẩu thịt trong 10 tháng, gấp 12,7 lần xuất khẩu

08/12/2023 14:48 GMT+7

10 tháng năm 2023, Việt Nam đã chi 1,15 tỉ USD để nhập khẩu thịt, sản phẩm từ thịt, trong khi giá trị xuất khẩu các mặt hàng này chỉ đạt 88,95 triệu USD.

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, kim ngạch xuất, nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt đang có sự chênh lệch rất lớn.

Việt Nam chi 1,15 tỉ USD nhập khẩu thịt, cao gấp 12,7 lần xuất khẩu - Ảnh 1.

6 tháng vừa qua, nhập khẩu thịt lợn liên tục tăng mạnh

PHAN HẬU

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), trong 10 tháng qua, Việt Nam đã nhập khẩu 572.110 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,15 tỉ USD, tăng 5% về lượng, nhưng giảm 4,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm; thịt trâu tươi đông lạnh; phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống ướp lạnh hoặc đông lạnh; thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh; mỡ lợn đông lạnh; thịt bò tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh…

Trong đó, nhập khẩu thịt bò tiếp tục giảm; nhập khẩu thịt gia cầm, thịt lợn, thịt trâu và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của lợn, trâu, bò sống tiếp tục tăng so với tháng 10.2022.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu thịt và sản phẩm từ thịt trong 10 tháng năm nay tăng 20,3% về lượng và tăng 37,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, nhưng chỉ đạt 88,95 triệu USD. Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất là thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh (chủ yếu là lợn sữa và thịt lợn nguyên con đông lạnh); thịt trâu, bò tươi đông lạnh…

Như vậy, Việt Nam đang nhập siêu thịt, sản phẩm từ thịt với giá trị nhập khẩu cao gấp 12,7 lần so với xuất khẩu.

Cũng theo Bộ Công thương, thịt lợn đang là loại thực phẩm có lượng nhập khẩu tăng mạnh nhất, với 6 tháng tăng trưởng liên tiếp. Trong tháng 10, Việt Nam nhập khẩu 14.400 tấn thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh, với trị giá 33,88 triệu USD, tăng 20,6% về lượng và tăng 29,4% về trị giá so với tháng 10.2022.

Thống kê trong 10 tháng qua, nhập khẩu thịt lợn tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 95.400 tấn, trị giá 239,37 triệu USD, tăng 7% về lượng và tăng 26,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Trong khi đó, Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) dự báo, tổng sản lượng thịt lợn trong năm nay ước đạt 4,5 triệu tấn. Mặc dù nhập khẩu thịt lợn liên tục tăng trong những tháng vừa qua nhưng ghi nhận từ tháng 5 đến nay, lượng nhập khẩu trung bình chỉ chiếm 3 - 4% so với tổng sản lượng sản xuất của cả nước. Đây là con số nhỏ và chưa đủ sức để tác động lên giá lợn hơi và giá thịt heo trong nước.

Trao đổi với Thanh Niên, một chuyên gia trong ngành chăn nuôi cho biết, có hai nguyên nhân chính khiến giá lợn hơi vẫn đang trên đà giảm, chưa thể phục hồi. 

Thứ nhất, sức tiêu thụ kém khi người dân tiết kiệm chi tiêu, nhiều bếp ăn tập thể cơ cấu lại, giảm lượng hàng nhập. Nguyên nhân thứ hai là do dịch tả lợn châu Phi vẫn bùng phát mạnh ở nhiều địa phương nên có tâm lý người chăn nuôi bán lợn sống sớm lo "chạy dịch" khiến lượng cung ra thị trường tăng mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.