Cụ thể, tháng 8 qua, Việt Nam nhập khẩu hơn 9,7 triệu tấn than, đạt giá trị kim ngạch hơn 600 triệu USD. Như vậy, tính trung bình, mỗi tháng Việt Nam phải nhập 1,2 triệu tấn than, tương đương 75 triệu USD.
Thực tế, giá trị và khối lượng than được nhập khẩu, nếu so sánh với các mặt hàng liên quan đến năng lượng như xăng dầu hay máy móc, linh kiện, điện thoại… là không lớn, song theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tốc độ nhập khẩu than của Việt Nam đang tăng 100% so cùng kỳ. Trong đó, khối lượng nhập tăng đến 191%, giá trị kim ngạch tăng hơn 107% so cùng kỳ năm trước.
Hiện tại, Việt Nam mua than từ 3 thị trường lớn là Nga (2,8 triệu tấn, đạt 179 triệu USD), Indonesia (1,8 triệu tấn, đạt 80 triệu USD) và Trung Quốc (1,4 triệu tấn, đạt 100 triệu USD). Tính ra, Việt Nam đang mua than từ Trung Quốc với mức giá cao nhất, lên đến 71 USD/tấn, trong khi giá nhập từ Nga là 63 USD/tấn và từ Indonesia 44 USD/tấn.
Mức giá than của Việt Nam mua từ Trung Quốc cao gần gấp đôi giá mua than từ Indonesia, song một nghịch lý là Trung Quốc hiện cũng là thị trường Việt Nam đang xuất khẩu than tiểu ngạch qua đường mậu biên lớn nhất.
Theo dự báo Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030, Chính phủ cũng đã nêu vấn đề nhu cầu than trong nước đang ngày càng tăng cao. Năm 2015 là 56,2 triệu tấn, năm 2020 là 112,3 triệu tấn, cao gấp đôi năm 2015. Năm 2025 là 145,5 triệu tấn và đến năm 2030, Việt Nam sẽ phải tiêu thụ tới 220,3 triệu tấn than.
Bình luận (0)