‘Việt Nam có lợi ích rất lớn nếu thực hiện được cam kết tại COP26’

Chí Hiếu
Chí Hiếu
13/01/2022 20:54 GMT+7

Thủ tướng cho rằng việc thực hiện các cam kết tại COP26 khó khăn nhiều hơn thuận lợi, song đã cam kết thì phải thực hiện quyết liệt, hiệu quả, thực chất và chúng ta có lợi ích rất lớn nếu thực hiện được cam kết này.

Đó là thông điệp được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi chủ trì cuộc họp lần thứ nhất của Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của VN tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) vào chiều nay 13.1

Thủ tướng yêu cầu phải tận dụng tốt nhất cơ hội này, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển xanh

nhật bắc

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng - Trưởng ban chỉ đạo nêu rõ, ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon, phát triển bền vững là xu thế không thể đảo ngược với quyết tâm cao và mục tiêu lớn của cộng đồng quốc tế. Đây cũng là vấn đề quan trọng với Việt Nam - một nước đang phát triển, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu, nhận được sự quan tâm rất lớn của các nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Thủ tướng giao Bộ TN-MT, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo, tiếp thu trong quá trình xây dựng, hoàn thiện các chương trình, kế hoạch, đề án.

Nhấn mạnh thêm một số nội dung, Thủ tướng chỉ rõ, đây là chương trình lớn, quan trọng để góp phần thực hiện, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch 5 năm, chiến lược 10 năm về phát triển nhanh và bền vững. Chương trình này cũng phù hợp với chương trình tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021- 2025 đã được thông qua; phù hợp với xu thế của thế giới về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.

Khó khăn nhiều nhưng quyết tâm thực hiện

Thủ tướng phân tích, việc thực hiện chương trình có những thuận lợi nhưng khó khăn nhiều hơn, song đã cam kết thì phải thực hiện quyết liệt, hiệu quả, thực chất và chúng ta có lợi ích rất lớn nếu thực hiện được cam kết này. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, cần sự tham gia của tất cả các quốc gia, sự ủng hộ và hỗ trợ quốc tế.

Đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân, cần lấy người dân và doanh nghiệp là mục tiêu, là động lực, là trung tâm, là chủ thể để thực hiện. Đây là vấn đề tác động tới tất cả các bộ, ngành, phương nên phải có cách tiếp cận toàn diện, tổng thể, song lấy cấp cơ sở là nền tảng để triển khai chương trình. Đồng thời, phải kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chuyển đổi xanh với chuyển đổi số và các chuyển đổi khác; huy động nguồn lực trong nước và ngoài nước, nguồn lực nhà nước và tư nhân.

Theo Thủ tướng, nhiều quốc gia, đối tác, tổ chức tài chính quốc tế rất quan tâm, ủng hộ Việt Nam, muốn Việt Nam trở thành hình mẫu ứng phó biến đổi khí hậu trong các nước đang phát triển, chúng ta phải tận dụng, tranh thủ tốt nhất cơ hội này, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước, truyền tải được tinh thần chuyển đổi xanh tới các bộ, ngành, địa phương và người dân.

Thủ tướng lưu ý các cơ quan nghiên cứu, đưa ra được nhu cầu, các đề xuất hợp tác về ứng phó biến đổi khí hậu phù hợp với khả năng, chiến lược phát triển của đất nước và khả năng đáp ứng của các đối tác.

Về lộ trình, Thủ tướng nêu rõ, chương trình vừa giải quyết các vấn đề chiến lược, lâu dài, đồng thời vừa giải quyết các vấn đề trước mắt nên phải hoàn thành nhanh việc xây dựng kế hoạch năm 2022 của Ban chỉ đạo.

Trong quý 1.2022, các bộ ngành phải chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch trong lĩnh vực quản lý để ứng phó biến đổi khí hậu, với các nhiệm vụ chủ yếu tập trung xử lý 8 vấn đề: chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng sạch; giảm phát thải khí nhà kính; giảm phát thải khí methan; phát triển ô tô chạy điện; trồng rừng để hấp thụ CO2; vật liệu xây dựng và phát triển đô thị phù hợp phát triển xanh, bền vững; truyền thông để toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp cùng vào cuộc; đẩy mạnh chuyển đổi số.

Thủ tướng lưu ý việc lập Quy hoạch điện VIII cũng phải hướng tới các mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững. Trong quý 2.2022, Ban chỉ đạo sẽ xem xét, thống nhất và trình các cấp có thẩm quyền chương trình tổng thể thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, tổ chức triển khai bài bản, quyết liệt, hiệu quả sau khi được thông qua.

Tại COP26 diễn ra hồi đầu tháng 11.2021 ở TP.Glasgow, Scotland, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải metan toàn cầu vào năm 2030; cùng 140 quốc gia tham gia tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất; cùng 48 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cùng 150 quốc gia tham gia Liên minh hành động thích ứng toàn cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.