Việt Nam được Quỹ Bảo tồn động vật hoang dã (WWF) công nhận có 3 trong hơn 200 vùng sinh thái toàn cầu; Tổ chức bảo tồn chim quốc tế (Birdlife) công nhận là một trong 5 vùng chim đặc hữu; Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) công nhận có 6 trung tâm đa dạng về thực vật.
Việt Nam còn là một trong 8 "trung tâm giống gốc" của nhiều loại cây trồng, vật nuôi như có hàng chục giống gia súc và gia cầm. Đặc biệt các nguồn lúa và khoai, những loài được coi là có nguồn gốc từ Việt Nam, đang là cơ sở cho việc cải tiến các giống lúa và cây lương thực trên thế giới.
Hệ sinh thái của Việt Nam rất phong phú, bao gồm 11.458 loài động vật, 21.017 loài thực vật và khoảng 3.000 loài vi sinh vật, trong đó có rất nhiều loài được sử dụng để cung cấp vật liệu di truyền.
Trong 30 năm qua, nhiều loài động thực vật được bổ sung vào danh sách các loài của Việt Nam như 5 loài thú mới là sao la, mang lớn, mang Trường Sơn, chà vá chân xám và thỏ vằn Trường Sơn, 3 loài chim mới là khướu vằn đầu đen, khướu Ngọc Linh và khướu Kon Ka Kinh, khoảng 420 loài cá biển và 7 loài thú biển. Nhiều loài mới khác thuộc các lớp bò sát, lưỡng cư và động vật không xương sống cũng đã được mô tả.
Về thực vật, tính từ năm 1993 đến năm 2002, các nhà khoa học đã ghi nhận thêm 2 họ, 19 chi và trên 70 loài mới. Tỷ lệ phát hiện loài mới đặc biệt cao ở họ Lan có 3 chi mới và 62 loài mới; 4 chi và 34 loài lần đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam. Ngành hạt trần có 1 chi và 3 loài mới lần đầu tiên phát hiện trên thế giới; 2 chi và 12 loài được bổ sung vào danh sách thực vật của Việt Nam.
Để bảo vệ và duy trì hệ sinh thái này, trong những năm qua, Việt Nam đã tăng cường đầu tư cho các chương trình, dự án bảo tồn sinh học. Theo báo cáo môi trường Việt Nam 2005, tổng kinh phí đầu tư cho bảo tồn đa dạng sinh học năm 2005 đạt xấp xỉ 51,8 triệu USD, gấp 10 lần so với một thập kỷ trước.
Theo TTXVN
Bình luận (0)