Việt Nam của tôi

Ngọc An
Ngọc An
17/11/2021 06:15 GMT+7

Sau khi được công chiếu trên Đài truyền hình SWR (Đức) vào cuối tháng 10, bộ phim tài liệu Mein Vietnam (Việt Nam của tôi) tiếp tục được chiếu trực tuyến trên kênh của SWR và đồng thời trên kênh của Đài truyền hình quốc gia Đức ARD.

Mein Vietnam đã chiến thắng tại nhiều liên hoan phim (LHP) tại Đức như giải thưởng First Steps, giải Phim tài liệu xuất sắc của LHP Potsdam Sehsüchte, giải đặc biệt của ban giám khảo tại hạng mục Megaherz Student Award của LHP Dokfest Munchen.

Không chỉ công chiếu trên truyền hình và rạp chiếu tại Đức, Mein Vietnam đã được giới thiệu tới khán giả nhiều nước châu Âu, Hàn Quốc, Canada, Nam Phi…

Câu chuyện của hiện thực

Không có bất cứ lời bình nào, Mein Vietnam ghi lại hình ảnh cuộc sống thường nhật của vợ chồng ông Tâm và bà Bảy, những thuyền nhân từ Việt Nam tới Đức những năm 1980. Hằng ngày, sau khi làm xong công việc lau chùi vệ sinh trong những tòa nhà, họ trở về nhà và gần như không có mối quan hệ giao tiếp nào với người Đức hay cộng đồng xung quanh. Trong căn nhà nhỏ tại Munich, mối liên hệ với xã hội gần như duy nhất của ông Tâm và bà Bảy được thông qua chiếc màn hình vi tính. Đó là những cuộc trò chuyện qua Skype, Facebook cùng người thân ở quê nhà, hay tham gia phòng hát karaoke online cùng những người Việt.

Đạo diễn Mai Hiền và Tim Ellrich nhận giải thưởng First Steps

NVCC

Hiện thực cuộc sống của ông Tâm, bà Bảy hiện ra trước mắt người xem với nhiều cung bậc cảm xúc, có nụ cười và cả nước mắt. Qua màn hình máy tính, họ cười vui khoe với người thân từng chậu cây cảnh mới trong nhà, hay hạnh phúc nhìn thấy người cháu nhỏ vừa chào đời. Cũng qua màn hình máy tính, họ cảm thấy lo lắng, day dứt, xót xa. Đó là khi ông Tâm đau lòng chứng kiến cơn bão đổ bộ vào quê nhà, rồi lo việc sửa chữa lại ngôi nhà ở quê hỏng hóc sau bão; là khi bà Bảy vì cuộc sống không đủ dư dả để trở về tiễn đưa người chị gái qua đời, đã không thể ngừng khóc khi theo dõi đám tang của chị…

Bộ phim dài gần 60 phút, được thực hiện trong suốt 4 năm, trong đó có 2 năm rưỡi ghi hình. Mai Hiền, con gái của ông Tâm và bà Bảy, là một trong 2 đạo diễn của bộ phim. Tim Ellrich, bạn trai của Mai Hiền, vừa là đồng đạo diễn vừa là người quay phim.

“Tự hào khi là người Việt”

Trước khi bắt đầu cuộc trò chuyện, Mai Hiền hỏi người viết: “Không biết Hiền xưng là em hay chị?”. Chỉ nói được những câu tiếng Việt đơn giản, và hầu như chỉ có thể diễn đạt bằng tiếng Anh hoặc tiếng Đức, nhưng nữ đạo diễn (32 tuổi) sinh ra và lớn lên tại Đức vẫn muốn giữ phép tắc trong xưng hô của người Việt.

Mai Hiền kể, khi nói với bố mẹ mình về ý định thực hiện bộ phim về họ, cả hai cùng cười bảo: “Mấy đứa làm phim về ba má làm gì, mình đi làm lau chùi đâu có phải quan trọng gì, ai mà muốn xem”. Còn Mai Hiền lại muốn được chia sẻ câu chuyện của bố mẹ mình và của chính cô trong đó. “Tôi sinh ra và lớn lên ở Đức. Ở nhà, ba má tôi không nói được tiếng Đức, mà chỉ nói tiếng Việt. Khi ra ngoài, tôi nói tiếng Đức, nhưng lại cảm thấy mình không phải người Đức vì rất khác biệt. Tôi như lớn lên giữa 2 thế giới, giữa 2 ngôn ngữ, giữa 2 văn hóa. Ba má tôi rất khó để thể hiện bản thân mình. Vì thế, tôi muốn mình - người thuộc thế hệ thứ 2, cho thấy cuộc sống của thế hệ đầu tiên trong gia đình tha hương tới nước Đức”, cô nói.

Hình ảnh trong phim Mein Vietnam

Lần đầu tiên tới rạp chiếu, ông Tâm và bà Bảy rất ngạc nhiên vì khán giả bỏ tiền mua vé vào xem phim về mình. Đến khi xem xong, ông bà đã hiểu vì sao và lý do con gái muốn thực hiện bộ phim này. “Ba tôi nói, phim mang những cảm xúc và trải nghiệm không chỉ của vợ chồng ông mà của những người ly hương, trở thành người nước ngoài ở đất nước xa lạ. Nhiều người đã khóc khi xem phim, ba má tôi cũng khóc”, Mai Hiền kể.

Nữ đạo diễn đã rất bất ngờ khi Mein Vietnam - bộ phim tài liệu đầu tiên của cô và đạo diễn Tim Ellrich không chỉ nhận giải thưởng tại nhiều LHP mà còn được nhiều khán giả, trong đó có cả cộng đồng người Việt ở Đức và nhiều quốc gia khác, cũng như những người nước ngoài tha hương đón nhận. “Có những khán giả gốc Việt là thế hệ thứ 2 như tôi sau khi xem phim đã viết thư và nói rằng, câu chuyện của ba má tôi giống như câu chuyện của ba má họ”, cô cho hay và chia sẻ: “Hồi nhỏ, tôi không dám rủ người bạn nào về nhà chơi vì luôn bị họ nhìn với con mắt khác biệt. Ở trường, tôi hay mắc cỡ vì ba má mình làm nghề lau chùi còn ba má các bạn làm công việc nhiều tiền như kỹ sư, hay giáo viên. Nhưng tôi thấy rõ ước mong của ba má là mình học giỏi nên tôi cố gắng không nghĩ gì và ráng học thôi”.

“Lúc bé, tôi từng ngần ngại khi nhận gốc gác của mình là người Việt, nhưng càng lớn lên, tôi lại thấy tự hào vì mình là người Việt”, Mai Hiền tâm sự. Cô đang có dự định về Việt Nam làm việc và cũng có thể thực hiện bộ phim tài liệu tiếp theo về Việt Nam.

Còn với ông Tâm và bà Bảy, nỗi nhớ quê hương luôn hiện hữu hằng ngày trong cuộc sống của họ. Cảnh cuối phim được kết thúc bằng câu nói của ông Tâm: “Buồn quá! Nhớ nhà quá!”. Dù vậy, nếu trở lại quê nhà sau hơn 30 năm xa xứ khi cuộc sống đã có nhiều thay đổi, thì việc hòa nhập cũng là một thử thách lớn, nhất là khi ông bà đã có tuổi. “Ba má tôi chắc sẽ ở lại Đức. Nhưng ba tôi đã nói với gia đình rằng, ước nguyện của ông khi qua đời là được đưa tro cốt về chôn cất tại quê nhà”, Mai Hiền nói.

Đạo diễn Mai Hiền và Tim Ellrich mong có cơ hội để đưa Mein Vietnam tới với khán giả ở Việt Nam. “Nhiều người ở Việt Nam nghĩ rằng sang Đức có thể kiếm tiền dễ dàng. Nhưng thực ra mọi thứ không như thế. Tôi muốn để mọi người thấy những khó khăn và cả nỗi nhớ nhà của những người Việt tha hương. Tôi cũng rất tò mò muốn biết phản ứng của khán giả quê nhà sẽ như thế nào khi xem phim”, Mai Hiền cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.