Cùng với việc kết thúc chiến tranh Việt Nam đã mở ra nhiều vùng kinh tế mới tại Tây nguyên, đưa nhiều di dân từ miền Bắc, gồm cả người Kinh và người các sắc tộc thiểu số khác vào Tây nguyên, và cả Đồng Nai.
Khởi đầu là hình thức hợp tác xã, như cả nền nông nghiệp lúc đó, hình thức kinh doanh tư nhân bị hạn chế, nên lượng sản xuất kém. Sự hợp tác giữa nhà nông trồng trọt, nhà sản xuất chế biến và nhà nước đã đưa cà phê nhân và thành phẩm xuất khẩu ra thị trường thế giới.
Hiện nay có tới 150 doanh nghiệp trong nước hoạt động trong công nghiệp cà phê. Các công ty như Trung Nguyên bắt đầu từ năm 1996 và Công ty Highlands Coffee do một Việt kiều làm giám đốc khởi sự từ năm 1998 (hiện đã bán cho nước ngoài). Cả hai đều có đầu ra nội địa là những quán cà phê mang thương hiệu của họ.
Phần lớn các nhà sản xuất cà phê nội địa đều đặt địa bàn ở Tây nguyên và có tính cách quốc doanh một phần vì hợp tác với nhà nước như một thành viên quan trọng. Những công ty lớn khác là Hưng Phát, Tân Châu, kinh doanh cả trà và cà phê ở Lâm Đồng, Vina cafe - tức Tập đoàn cà phê quốc gia Việt Nam (Vietnam National Coffee Corporation).
Tất cả đều nằm trong Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA).
Năm 2012, xuất khẩu Việt Nam đạt 3,4 tỉ USD - lần đầu tiên đứng vị trí số 1 về xuất khẩu cà phê.
Nếu tính về diện tích cà phê thì năm 1961 bắt đầu cuộc chiến tranh, cả nước chỉ đạt được 21.000 ha thì năm 2011 đã đạt trên 570.000 ha trồng cà phê, với sản lượng hơn 1,167 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 2,69 tỉ USD.
Năm 1997 Việt Nam mới vào danh sách bốn nước xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới, sau Brazil, Colombia, và Mexico ở châu Mỹ - thì năm nay (2012) chỉ sau có 15 năm Việt Nam đã vượt lên dẫn đầu thế giới.
Ngành cà phê đã thuộc trong 12 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỉ USD, đứng thứ nhì sau lúa gạo và đạt 30% tổng sản lượng gộp nội địa. Đó cũng là nguồn thu nhập chủ yếu của 540.000 hộ nông dân với hơn 1,6 triệu lao động ở vùng sâu, vùng xa, nhất là ở Tây nguyên.
Mặc dù vậy trong thực tế ngành cà phê Việt Nam đang phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn trong tất cả các mặt.
Giá cả và chất lượng cà phê còn thiếu ổn định với thực trạng “Được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa”. Khi rớt giá, nông dân có thể phá bỏ cả ngàn héc ta cà phê để chuyển sang trồng thứ khác. Diện tích cà phê già cỗi cần tái canh cho hơn 86.000 ha, chiếm 17,3% tổng diện tích. Công tác quản lý chất lượng cà phê còn hạn chế - các loại hóa chất cần thay bằng phân bón hữu cơ và vi sinh, chăm sóc đất trồng rửa trôi, không thu hoạch cà phê xanh, dùng công nghệ mới sau thu hoạch và chế biến để bảo đảm chất lượng cà phê.
Ngoài ra, cần những hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trong nước phải đối đầu với các tập đoàn quốc tế giàu về vốn và kinh nghiệm trong việc chế biến sản phẩm có chất lượng cao.
Vị trí số một là thách thức cho tương lai của ngành cà phê nước nhà do sản lượng cà phê dự báo sẽ giảm trong khoảng 10 năm tới, nguy cơ khủng hoảng nguồn nguyên liệu do sự thao túng giá cả của các công ty thu mua trung gian nước ngoài gây hiểm họa mất đi chỉ dẫn địa lý của cà phê Việt Nam và trên thực tế giá trị thu về còn thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực vì tới trên 90% sản lượng xuất khẩu là cà phê thô. Điều này đòi hỏi chúng ta phải thay đổi ý thức xuất khẩu cà phê theo hướng cà phê chế biến có thương hiệu chứ không phải là xuất khẩu cà phê nhân xô như hiện nay. Trong khi đó, cạnh tranh nội địa giữa các doanh nghiệp sản xuất cà phê chế biến đang diễn ra căng thẳng gây ra hình ảnh, uy tín xấu cho cà phê Việt Nam. (Còn tiếp)
Bình Nguyên
Bình luận (0)