Dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Khoa Điềm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương; Nguyễn Văn Son, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương; Hồng Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng-Văn hóa Trung ương cùng hơn 100 nhà khoa học...
Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì và phát biểu khai mạc Hội thảo nêu rõ: Chủ nghĩa phát xít đã gây ra cho nhân loại bao đau thương mất mát, trong đó có nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu 1945 tại Việt Nam với 2 triệu người chết là những chứng tích kinh hoàng của tội ác phát xít luôn nhắc nhở loài người phải cảnh giác trước những mưu toan chiến tranh và bá chủ thế giới của các lực lượng cực đoan, phản động, hiếu chiến.
25 bài tham luận của các nhà khoa học đã khẳng định: Thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh tiêu diệt chủ nghĩa phát xít là thuộc về tất cả các lực lượng dân chủ, tiến bộ trên toàn thế giới. Tuy nhiên, thực tế lịch sử của cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 dẫn đến chiến thắng vĩ đại ngày 9-5-1945 là thuộc về nhân dân và quân đội Liên Xô anh hùng. Nhân dân và quân đội Liên Xô đã đánh bại đội quân khổng lồ của nước Đức phát xít, gồm 190 sư đoàn trong tổng số 214 sư đoàn của quân Đức; truy đuổi chúng tới tận hang ổ, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc chiến đấu của các nước đồng minh trên những chiến trường khác và cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của các dân tộc.
Nhiều tham luận cũng khẳng định những đóng góp của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam vào chiến thắng chung của loài người tiêu diệt chủ nghĩa phát xít. Đóng góp ấy trong cả thời gian trước và trong chiến tranh thế giới thứ 2 mà biểu hiện chủ yếu trên các nội dung là: Ủng hộ Liên bang Xô Viết và các quốc gia bị xâm lược, trực tiếp phối hợp với lực lượng đồng minh trong cuộc chiến đấu chống phát xít; tiến hành đấu tranh vũ trang chống ách đô hộ của phát xít Nhật và thực dân Pháp giành độc lập dân tộc. Mặt khác còn có sự tham gia của một nhóm các chiến sỹ quốc tế Việt Nam gồm trên 40 người đã sát cánh cùng các chiến sỹ Hồng quân Liên Xô bảo vệ Thủ đô Moskva trong những ngày bị phát xít Đức phong tỏa năm 1941. Các nhà sử học đã nêu rõ: Từ đầu năm 1940 đến mùa thu 1945, Việt Nam trở thành một chiến trường-nơi thu hút lực lượng lớn quân Nhật (thường xuyên từ 30.000 đến 35.000 quân, cao điểm năm 1945 lên tới 60.000 tên). Điều này đã tạo sự phân tán lực lượng quân phát xít trên một phạm vi rộng lớn ở chiến trường Thái Bình Dương, đẩy chúng lâm vào thế phải bị động đối phó khắp nơi, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh chống Nhật của nhân dân các nước ở khu vực cũng như cuộc đấu tranh chống phát xít Đức, Ý ở châu u, đẩy nhanh sự sụp đổ hoàn toàn của phát xít Nhật nói riêng và chủ nghĩa phát xít nói chung. Cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít Nhật của nhân dân Việt Nam còn góp phần thức tỉnh lương tri của một bộ phận binh lính, sỹ quan trong quân đội Nhật, giúp họ nhận thức được tính chất phi nghĩa của chiến tranh xâm lược và tính chất chính nghĩa của chiến tranh giải phóng dân tộc của các nước bị xâm lược.
Qua Hội thảo này đã rút ra một số bài học lịch sử quý báu mà cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là sự cần thiết phải kiên quyết đấu tranh chống lại mọi mưu đồ gây chiến tranh và mọi toan tính nhằm áp đặt sự thống trị của một số thế lực theo chủ nghĩa bá quyền và chủ nghĩa đơn phương trên phạm vi thế giới nhân danh "bảo vệ dân chủ, nhân quyền" để can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ các nước khác. Bài học về vấn đề hợp tác và đoàn kết quốc tế vì những mục tiêu chung của nhân loại là hòa bình, độc lập dân tộc, tiến bộ xã hội và hợp tác phát triển. Bài học về giữ vững sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; kiên trì thực hiện đường lối độc lập, tự chủ, mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế; phát huy tối đa nội lực, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để phát triển đất nước theo định hướng XHCN.
(Theo TTXVN)
Bình luận (0)