Việt Nam khó giành giải cao cuộc thi âm nhạc quốc tế trên sân nhà

Ngọc An
Ngọc An
09/08/2019 06:25 GMT+7

Hoàng Hồ Khánh Vân là thí sinh VN duy nhất lọt vào vòng bán kết bảng thi violon của cuộc thi âm nhạc quốc tế dành cho violon và hòa tấu thính phòng lần đầu tiên được tổ chức tại VN, từ ngày 3 - 11.8 tại Học viện Âm nhạc quốc gia VN (Hà Nội).

VN có 5 trong 29 thí sinh tham dự bảng thi violon và chỉ 1 người lọt vào vòng bán kết của bảng này là Hoàng Hồ Khánh Vân. Trong khi, có 7 nhóm thí sinh VN (trong 11 nhóm thí sinh) tham dự bảng thi hòa tấu thính phòng và 5 nhóm thí sinh VN đã lọt vào vòng bán kết. “Trong cuộc thi này, VN giành giải cao là khó!”, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia VN, Trưởng ban tổ chức cuộc thi, đánh giá.
Ngay cả trong cuộc thi Piano quốc tế Hà Nội đã được tổ chức 4 lần, số thí sinh VN tham dự cũng không nhiều và khó có thí sinh đoạt giải cao. PGS-TS Lê Anh Tuấn lý giải: “Đào tạo âm nhạc của VN nhiều năm nay đi theo lối của Liên Xô và có những thế hệ nghệ sĩ được đào tạo bài bản theo cách này. Nhưng thế giới đang hội nhập, chúng ta chưa kịp đổi mới giáo trình, dù đã cử người tu nghiệp ở các nước phát triển châu Âu, Canada, Mỹ, Úc. Nhiều học sinh đang du học ở nước ngoài và cũng không sắp xếp để về dự thi được”.
Hoàng Hồ Khánh Vân đang học tập tại Hungary. Đến VN làm giám khảo cuộc thi, nghệ sĩ vĩ cầm Vilmos Szabadi (Trưởng khoa Violon tại Học viện Âm nhạc Liszt Ferenc, Budapest, cũng là thầy giáo của Hoàng Hồ Khánh Vân), kể lần đầu tiên gặp Vân, ông đã rất ngạc nhiên vì cô gái chỉ nặng khoảng 38 kg này có trình độ khá cao. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều sinh viên châu Á, việc đọc hiểu tác phẩm xuất xứ từ châu Âu vẫn là điểm chưa mạnh của sinh viên VN, trong đó có Hoàng Hồ Khánh Vân.
Nghệ sĩ vĩ cầm Xi Chen (Trung Quốc), giám khảo bảng thi violon cũng cho biết nhiều thí sinh tham dự cuộc thi có trình độ cao. “Họ chuẩn bị bài bản, kỹ càng và nghiêm túc”, nghệ sĩ Xi Chen nói.
PGS-TS Lê Anh Tuấn cho rằng, cuộc thi violon và hòa tấu thính phòng quốc tế được tổ chức cũng là dịp để VN nhìn nhận lại mô hình đào tạo trong nước. “Nhiều thí sinh VN có kỹ thuật, xử lý tốt, nhưng thiếu bản lĩnh sân khấu và có em bị tâm lý. Chúng ta nặng về truyền nghề, nhưng các em cũng cần phải được biểu diễn nhiều hơn, hoặc tham gia các nhóm, các chương trình”, ông Tuấn cho biết và khẳng định ngay năm học tới sẽ tăng tính thực hành biểu diễn trong đào tạo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.