Việt Nam kiên quyết sử dụng mọi biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền

28/08/2014 18:40 GMT+7

(TNO) Việt Nam kiên quyết sử dụng mọi biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền của mình.

>> Ông Lê Hồng Anh hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
>> Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh tiếp Phó chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc
>> Việt Nam đang cân nhắc thời điểm khởi kiện Trung Quốc

Đây là khẳng định của ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao tại cuộc họp báo thường kỳ chiều nay 28.8 trước câu hỏi về việc liệu Việt Nam có bảo lưu khả năng khởi kiện Trung Quốc hay không sau chuyến thăm Trung Quốc vừa qua của ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Đặc phái viên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Việt Nam bảo lưu khả năng khởi kiện Trung Quốc
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tại cuộc họp báo ngày 28.8 - Ảnh: Trường Sơn

Tại họp báo, ông Lê Hải Bình đã trả lời các câu hỏi của phóng viên.

Liên quan đến chuyến thăm Trung Quốc của ông Lê Hồng Anh, liệu sắp tới có khả năng tái diễn tình trạng căng thẳng trên Biển Đông như thời gian vừa qua?

Về chuyến thăm của ông Lê Hồng Anh, báo chí đã có thông tin đầy đủ. Tôi xin nhấn mạnh rằng trong chuyến thăm này hai bên đã nhất trí về 3 nội dung quan trọng như sau:

Một là, lãnh đạo hai Đảng, hai nước Việt Nam – Trung Quốc tăng cường hơn nữa việc chỉ đạo trực tiếp đối với quan hệ hai Đảng, hai nước, thúc đẩy quan hệ Việt – Trung không ngừng phát triển lành mạnh, ổn định.

Hai là, hai bên tăng cường giao lưu giữa hai Đảng, hai nước; khôi phục và tăng cường hợp tác giữa hai bên trên mọi lĩnh vực như chính trị ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế, thương mại, thực thi pháp luật, nhân văn...

Ba là, hai bên tuân thủ các nhận thức chung quan trọng của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, nghiêm túc thực hiện “Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc”, sử dụng tốt cơ chế đàm phán cấp Chính phủ về biên giới lãnh thổ Việt Nam - Trung Quốc; tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được, đồng thời tích cực nghiên cứu và bàn bạc các giải pháp mang tính quá độ không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của mỗi bên, kể cả vấn đề hợp tác cùng phát triển; kiểm soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp; duy trì đại cục quan hệ Việt – Trung và hoà bình, ổn định trên Biển Đông.

Trong chuyến thăm vừa qua ông Lê Hồng Anh tới Trung Quốc thì trong các trao đổi liên quan đến giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông không thấy đề cập đến vai trò của ASEAN cũng như các bên liên quan khác? Liệu có phải các vấn đề tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc trên Biển Đông sẽ được giải quyết qua con đường song phương hay không? Xin cho biết về khả năng Việt Nam bảo lưu việc khởi kiện đối với các hành vi vi phạm của Trung Quốc?

Như đã nêu ở trên, trong chuyến thăm hai bên đã nhất trí nghiêm túc thực hiện “Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” (2011), trong thỏa thuận này đã nêu rất rõ các nguyên tắc giải quyết tranh chấp song phương và đa phương như thế nào.

Về việc khởi kiện Trung Quốc, như chúng tôi nhiều lần khẳng định Việt Nam kiên quyết sử dụng mọi biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, phù hợp với hiến chương của Liên Hiệp Quốc, trong đó có Công ước Luật biển (UNCLOS) 1982 để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và các vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Đề nghị xác nhận thông tin về việc việc 12 ngư dân Việt Nam và tàu cá QNg 95997 bị Philippines bắt hồi 2012 sắp về nước? 

Theo thông tin Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines, sau một thời gian làm việc tích cực với các cơ quan chức năng sở tại, ngày 27.8 Đại sứ quán Việt Nam tại Philippines đã hoàn tất các thủ tục và sẽ đưa 12 ngư dân của tàu cá QNg 95997 do ông Tiêu Minh Sơn làm thuyền trưởng về nước. Dự kiến các ngư dân sẽ về đến Việt Nam vào ngày 30.8.2014.  

Báo chí của Philippines vừa qua cho biết không quân nước này theo dõi và phát hiện có 10 - 12 tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trái phép ở Biển Đông, khu vực quần đảo Trường Sa. Xin cho biết phản ứng của Việt Nam?

Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xác minh thông tin nêu trên. Tuy nhiên một lần nữa chúng tôi xin khẳng định Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hoạt động của các bên ở hai khu vực này nếu không được sự cho phép của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị. 

Tại Hội nghị Tư lệnh Hải quân ASEAN lần thứ 8 (27.8) đoàn Việt Nam đã đưa ra sáng kiến về tăng cường vai trò của Hải quân ASEAN sau năm 2015 nhằm đối phó với những thách thức trong tương lai. Xin cho biết những sáng kiến này là gì? Hội thảo kỹ thuật về đề xuất lập đường dây nóng ASEAN về các tranh chấp trên biển diễn ra từ ngày 26-28.8 tại Brunei nhằm thúc đẩy sáng kiến đi vào giai đoạn triển khai thực hiện. Xin cho biết các thông tin cụ thể?

Việt Nam nói riêng và ASEAN đang tích cực đóng góp vào việc triển khai cộng đồng ASEAN đến 2015. Các sáng kiến mà Việt Nam đưa ra là một trong những đóng góp cụ thể vào tiến trình này. Hiện ASEAN đang triển khai cụ thể các sáng kiến này vào thực tiễn. Việc triển khai các sáng kiến này thể hiện đóng góp cụ thể của Việt Nam cũng như nỗ lực chung của ASEAN trong việc duy trì hòa bình ổn định an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực.

Vừa qua có thông tin về việc Campuchia tiến hành đang điều tra dân số người Việt đang sinh sống ở nước này? Đề nghị xác minh thông tin này và cho biết việc điều tra nhằm mục đích gì? Xin cho biết tình hình cộng đồng người Việt ở các quốc gia đang có dịch Ebola?

Theo chúng tôi được biết, vừa qua đoàn công tác của Chính phủ Campuchia đã triển khai việc kê khai các giấy tờ liên quan đến hộ tịch, quốc tịch nhằm đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng người Việt Nam đang sống ở Campuchia.
Liên quan đến dịch Ebola, cho đến nay công dân Việt Nam tại một số quốc gia có dịch như Nigeria, Sierra Leone... vẫn được bảo đảm an toàn. Các cơ quan đại diện của Việt Nam tại các quốc gia trên vẫn đang giữ liên lạc chặt chẽ với cộng đồng người Việt đồng thời khuyến cáo các công dân Việt Nam tránh xa các khu vực đang có dịch, liên lạc trực tiếp với các cơ quan đại diện của Việt Nam tại các quốc gia này để được hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp.

Báo chí Ấn Độ vừa qua đưa tin về việc Ấn Độ hợp tác với Việt Nam khai thác dầu khí ở Biển Đông. Xin cho biết các thông tin cụ thể. Được biết trong thời gian tới Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam, trong chuyến thăm này hai bên sẽ ký kết các một số thỏa thuận hợp tác trong đó có việc Ấn Độ hỗ trợ Việt Nam mua tàu tuần tra?

Việt Nam hoan nghênh và cam kết tạo mọi điều kiện hoạt động kinh tế bình thường đối với các công ty dầu khí Việt Nam với các đối tác nước ngoài nằm trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Sau kết quả rất tốt đẹp chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Ấn Độ vừa qua hai bên đang tích cực chuẩn bị các hoạt động trao đổi cấp cao. Các thông tin sẽ được cung cấp vào thời điểm thích hợp.

Trả lời câu hỏi về thông tin công dân Việt Nam tại Ukraine bị gọi nhập ngũ, ông Lê Hải Bình cho biết theo Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine cho biết, vừa qua Ukraine đã thông qua lệnh tổng động viên đợt 2 trong đó huy động các nam công dân từ 18-60 tham gia nghĩa vụ quân sự. Theo thống kê có 270 người Ukraine gốc Việt nằm trong độ tuổi tổng động viên này. Tuy nhiên hầu hết các thanh niên quốc tịch Ukraine gốc Việt đều được miễn trừ vì là đang là học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở trong và ngoài Ukraine. Những trường hợp có giấy báo nhập ngũ sau khi đến trình diện và chứng minh đang là học sinh, sinh viên hoặc đang có vấn đề sức khỏe cũng đều được miễn trừ.

 Trường Sơn (ghi)

 

 

 

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.