(TNO) Các nhà khoa học Việt Nam đã ứng dụng thành công công nghệ sinh học để tạo ra các giống cây ăn quả có múi không hạt, cho năng suất cao, đảm bảo chất lượng.
Cam không hạt - Ảnh do TS Đỗ Năng Vịnh cung cấp |
TS Đỗ Năng Vịnh, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Di truyền Nông nghiệp, cho biết nước ta được xem là một trong các trung tâm phát sinh của nhiều loài cây ăn quả có múi với các điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho phát triển nền công nghiệp cam, quýt, bưởi.
Tuy nhiên, đa số các giống cây ăn quả có múi ở nước ta vẫn là các giống truyền thống, chọn lọc tự nhiên, chưa được cải tạo, chất lượng còn thấp và không ổn định, quả nhiều hạt, sản xuất manh mún, giá trị hàng hóa thấp.
“Nhiều năm qua, nước ta vẫn phải nhập khẩu cam, quýt từ Trung Quốc, Mỹ, Úc, Nam Phi với giá rất cao. Cả nước chưa hình thành được hệ thống giống cam quýt sạch bệnh từ trung ương đến cơ sở. Vì thế, việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học và di truyền học hiện đại vào chọn tạo giống cây ăn quả có múi là rất cần thiết”, TS Vịnh cho biết.
Giống cam không hạt cho năng suất cao, chất lượng tốt đang được trồng ở nhiều tỉnh thành trên cả nước - Ảnh do TS Đỗ Năng Vịnh cung cấp
|
Thực hiện nhiệm vụ được giao, theo TS Vịnh, nhiều năm qua, Viện Di truyền nông nghiệp đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học vào cải thiện giống cây ăn quả có múi và triển khai các giống không hạt vào sản xuất, bước đầu thu được những kết quả khả quan, góp phần giải quyết được nhiều vấn đề khoa học và thực tiễn, tạo được nền tảng cho phát triển công nghiệp cam, quýt bưởi ở nước ta trong giai đoạn tới.
Theo TS Vịnh, từ kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đã tạo ra và duy trì được một tập đoàn các giống ưu việt, các cây đầu dòng trong nhà lưới để chuyển giao cho các địa phương và công ty trong nước. Đây là một tập đoàn giống sạch bệnh lớn, phong phú, có tiềm năng năng suất và chất lượng cao, không hạt, đủ giống để cung cấp cho phát triển cam quy mô công nghiệp.
“Chúng ta cũng đã sử dụng phương pháp lai giữa các dòng giống tứ bội với các giống nhị bội để tạo được hàng trăm dòng tam bội thể lai khác nhau, một số dòng bưởi tam bội thu được đã biểu hiện ưu thế lai cao, sinh trưởng và phát triển khỏe hơn hẳn so với các giống bố mẹ, đồng thời quả hoàn toàn không hạt”, TS Vịnh nói.
Theo TS Vịnh hiện Việt Nam đã sản xuất được các giống cam không hạt, sạch bệnh như V2, BH, C36, số 9,... có các đặc điểm chung là năng suất và chất lượng cao hơn các giống bản địa. Ngoài ra, các giống này có thời gian chín rất khác nhau, trong đó có giống chín sớm cuối tháng 9 đầu tháng 10, chín trung vụ vào tháng 11,12, tháng 1 và chín muộn vào tháng 2 và tháng 3. Giống V2 chín muộn, có thể lưu quả trên cây đến tháng 4, tháng 5. Với các giống trên đây, công nghiệp cam có thể cung cấp quả tươi và nước quả cho tiêu dùng thời gian khoảng 9 tháng trong năm.
“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi đã được nhiều doanh nghiệp và nông dân ở các vùng cam lớn trong nước tiếp thu, triển khai và nhân rộng trên hàng nghìn ha trồng ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Hòa Bình, Bắc Giang, Yên Bái... Nhiều hộ gia đình có thu nhập cao từ 500 triệu đồng đến trên 1 tỉ đồng/ha”, TS Vịnh cho biết.
Bình luận (0)