Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Trung tâm vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam), cho biết sắp tới vệ tinh do chính người Việt Nam thiết kế, chế tạo sẽ được đưa vào không gian.
Việc xây dựng Đài thiên văn Nha Trang với tổng giá trị lên tới 60 tỉ đồng này có ý nghĩa gì với sự phát triển ngành công nghệ vũ trụ của Việt Nam, thưa ông?
Đài thiên văn Nha Trang chỉ là một hợp phần (rất nhỏ) của dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam được triển khai từ 2012 - 2022 với tổng giá trị lên tới 13.000 tỉ đồng từ nguồn vốn ODA của Nhật. Dự án này có 3 nội dung, bao gồm từ việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ cho tới đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghệ vũ trụ Việt Nam trong tương lai. Ngoài 2 đài thiên văn tại Nha Trang và Hà Nội, hạng mục chính của dự án này là Trung tâm vũ trụ Việt Nam hiện đang xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội), Trung tâm phát triển nhân lực và chuyển giao công nghệ vũ trụ (Hà Nội) và Trung tâm ứng dụng công nghệ vũ trụ đặt tại TP.HCM. Dự án cũng bao gồm việc phóng 4 vệ tinh quan sát trái đất do chính các kỹ sư Việt Nam thiết kế, chế tạo lên vũ trụ từ nay tới năm 2023. Đài thiên văn Nha Trang là hạng mục đầu tiên của dự án được hoàn thiện và đưa vào nghiên cứu khoa học cũng như phục vụ công chúng.
Hiện nay, trên phạm vi cả nước chúng ta chưa có đài thiên văn nào hiện đại, quy mô phục vụ nghiên cứu khoa học, cũng chưa có nhà chiếu hình vũ trụ nào để phổ biến, truyền bá những kiến thức về khoa học vũ trụ cho người dân đặc biệt là thế hệ trẻ.
|
Chúng ta đã từng đưa các vệ tinh viễn thông Vinasat 1 (2008), Vinasat 2 (2012) hay vệ tinh viễn thám VNREDSat1 (2013) do nước ngoài chế tạo. Vậy những vệ tinh “made in Vietnam” mà ông nói tới khác biệt thế nào với những vệ tinh chúng ta đã phóng trước đây?
|
Bên cạnh đó, việc phát triển vệ tinh "made in Vietnam" cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc làm chủ công nghệ vệ tinh của Việt Nam. Nếu chỉ đi mua vệ tinh mà không thiết kế, chế tạo thì Việt Nam sẽ mãi mãi không bao giờ làm ra nó. Chúng ta cũng sẽ không tự chủ để có những vệ tinh phục vụ cho những mục đích khác nhau của chúng ta sau này. Ngoài ra, việc có những vệ tinh riêng của mình cũng giúp chủ động về ảnh. Nếu như trước đây, việc mua hay xin ảnh từ nước ngoài mất khoảng 2 ngày, thì khi có vệ tinh chỉ cần 6 - 12 tiếng là có ảnh riêng. Bên cạnh đó, việc chế tạo vệ tinh tại Việt Nam sẽ kéo các ngành công nghệ khác như vật liệu, cơ điện tử, tự động hóa phát triển theo.
Con đường đi đến những vệ tinh do người Việt Nam chế tạo đã hình thành như thế nào, thưa ông?
Năm 2006, trong Chiến lược nghiên cứu ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020 đã đặt đầu bài rất rõ về việc chúng ta sẽ sản xuất những vệ tinh nhỏ quan sát trái đất "made in Vietnam". Cũng trong năm đó, qua hợp tác quốc tế, một giáo sư người Mỹ là Robert H.Bishop có tư vấn cho Việt Nam về việc không nên làm vệ tinh lớn ngay, mà nên đi từng bước và làm loại vệ tinh 1 kg để bắt đầu. Khi đó, ở Việt Nam cũng chưa ai làm vệ tinh... May mắn lúc đó Viện Hàn lâm KH-CN đã phê duyệt cho chúng tôi đề tài chế tạo vệ tinh PicoDragon.
|
Từ năm 2007, chúng tôi đã tới Cơ quan Hàng không vũ trụ Nhật Bản để khởi động dự án vệ tinh siêu nhỏ này. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ là những chuyên gia về công nghệ vũ trụ, chưa được đào tạo chuyên sâu về công nghệ vệ tinh. Chúng tôi vừa làm vừa mày mò, tìm hiểu những kiến thức cơ bản nhất về quy trình phát triển vệ tinh. Phải mất tới 7 năm, ý tưởng đó mới thành hiện thực. Tới năm 2013, vệ tinh siêu nhỏ PicoDragon do chúng tôi nghiên cứu, chế tạo đã trở thành vệ tinh “made in Vietnam” đầu tiên hoạt động thành công trong quỹ đạo không gian.
Đây được coi là bước đi đầu tiên cho việc làm chủ công nghệ vệ tinh của Việt Nam. Trong dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam mà chúng tôi đang quản lý, từ nay tới năm 2022 sẽ đưa vào không gian 4 vệ tinh do chúng ta tham gia thiết kế, chế tạo. Trong đó, vệ tinh LOTUSat-2 sẽ được chính các kỹ sư Việt Nam thiết kế, chế tạo và phóng ngay tại Việt Nam vào năm 2023.
Theo ông, khó khăn lớn nhất trong sự phát triển ngành công nghệ vũ trụ của Việt Nam hiện nay là gì?
Ngành công nghệ vũ trụ của Việt Nam còn non trẻ nên khó khăn rất nhiều từ đội ngũ nhân lực, cơ sở hạ tầng cho tới sự đầu tư dài hơi, bài bản. Hiện nay, nhân lực ngành công nghệ vũ trụ của Việt Nam vẫn còn thiếu, dù chúng tôi đã nỗ lực cử các cán bộ đi học ở nước ngoài cũng như tổ chức đào tạo tại các trường đại học trong nước. Trong khi đó, cơ sở vật chất vẫn đang trong quá trình xây dựng.
Tuy nhiên, theo tôi, khó khăn nhất chính là cách nhìn của xã hội với ngành này. Nhiều người vẫn nghĩ ngành này xa vời, không thực tế nhưng thực ra không phải như vậy. Phát triển công nghệ vũ trụ sẽ phục vụ rất hiệu quả cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Vũ trụ vẫn đang sống với chúng ta, tác động đến chúng ta hằng ngày. Vì vậy, điều quan trọng là chúng ta phải mở rộng tầm nhìn để thấy rằng khoa học vũ trụ, ứng dụng công nghệ vũ trụ là rất cần thiết.
Tháng 10.2018 phóng vệ tinh 50 kg do Việt Nam chế tạo
Theo kế hoạch, vào tháng 10.2018, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh MicroDragon và vào năm 2019 sẽ phóng vệ tinh Nano Dragon lên quỹ đạo. Vệ tinh MicroDragon nặng 50 kg là vệ tinh được phát triển bởi 36 kỹ sư của Việt Nam thuộc Trung tâm vũ trụ Việt Nam được cử sang Nhật đào tạo. Nhiệm vụ của vệ tinh này là quan sát vùng bờ biển của Việt Nam nhằm xác định chất lượng nước biển cũng như xác định vị trí tàu thủy.
Sau vệ tinh MicroDragon và NanoDragon, Việt Nam sẽ phóng vệ tinh radar LOTUSat-1 vào năm 2020, LOTUSat-2 vào năm 2023. LOTUSat-1 và LOTUSat-2 có khối lượng 600 kg, tuổi thọ hoạt động trên quỹ đạo là 5 năm. Hai vệ tinh này sử dụng công nghệ radar thay vì công nghệ quang học như vệ tinh VNREDSat-1 trước đây, cho phép chụp ảnh trong mọi điều kiện thời tiết. Các kỹ sư VN sẽ tham gia chế tạo LOTUSat-1 dưới sự hỗ trợ của Nhật Bản còn vệ tinh LOTUSat-2 sẽ được chế tạo ngay tại Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam và Nhật Bản đang chuẩn bị ký hợp đồng chế tạo vệ tinh LOTUSat-1.
|
Bình luận (0)