(TNO) Hôm nay (27.5), Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM công bố lần đầu tiên tại Việt Nam ghép thành công tế bào gốc tạo máu nửa thuận hợp HLA (người cho tế bào gốc chỉ phù hợp một nửa gen với bệnh nhân).
Bệnh nhân là anh Cao Xuân Hiệp (21 tuổi, ngụ Đồng Nai) bị bệnh bạch cầu cấp dòng tủy.
Người cho mảnh ghép tế bào gốc là chị Cao Thị Nguyệt, chị ruột của anh Hiệp.
Tuy nhiên, người cho tế bào gốc không hội đủ điều kiện thuận hợp hoàn toàn HLA (kháng nguyên bạch cầu) với người nhận (tức người cho tế bào gốc chỉ phù hợp một nửa gen với bệnh nhân).
Vì vậy, sau khi làm các xét nghiệm đánh giá tình trạng sức khỏe đạt tiêu chuẩn lấy tế bào gốc, các bác sĩ đã thu thập, xử lý tế bào gốc máu ngoại vi của người cho bằng hệ thống tự động chuyên biệt.
Mẫu ghép được bảo quản bằng hệ thống đông lạnh tự động Bioarchive với nitơ lỏng - 196oC trong 20 ngày.
|
Đến ngày 25.4, ca ghép được thực hiện với mẫu tế bào gốc được giải đông trong điều kiện vô trùng tuyệt đối.
Bác sĩ Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, cho biết các bác sĩ đã truyền ghép tế bào gốc cho bệnh nhân qua đường tĩnh mạch trung tâm. Trong suốt ca ghép, bệnh nhân không phải sử dụng bất kỳ kháng sinh tĩnh mạch nào.
Bảy ngày sau khi ghép, tủy của bệnh nhân đã bắt đầu mọc.
Tỷ lệ mọc tủy của bệnh nhân đã đạt 97% tủy người bình thường sau 21 ngày ghép.
Ngày 22.5, bệnh nhân được xuất viện.
Đến hôm nay, sức khỏe của anh Hiệp dần ổn định, với mảnh ghép tế bào gốc mọc và phát triển tốt trong cơ thể. Anh Hiệp vẫn tiếp tục được theo dõi sức khỏe và dùng thuốc chống thải ghép từ 6 đến 12 tháng.
Được biết, bệnh nhân đã được thực hiện phẫu thuật và theo dõi sức khỏe sát sao bởi đội ngũ chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ghép tủy xương của Bệnh viện Truyền máu huyết học.
Chi phí cho ca ghép khoảng 300 triệu đồng, trong đó Bảo hiểm y tế chi trả 70%.
Theo ông Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, ghép tủy xương mà ngày nay gọi là ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp điều trị được áp dụng trong chuyên ngành huyết học và ung thư học để điều trị các bệnh lý ung thư máu và ung thư các cơ quan khác. Ghép tế bào gốc tạo máu có hai phương pháp chính là tự ghép tế bào gốc và dị ghép tế bào gốc (hay ghép đồng loại, nghĩa là ghép của người khác phù hợp với HLA của bệnh nhân). Trở ngại rất lớn của phương pháp dị ghép tế bào gốc là việc tìm người cho phù hợp với bệnh nhân ngay tại thời điểm cần ghép (như ca ghép của anh Hiệp). Theo các bác sĩ, với các anh chị em ruột tỷ lệ phù hợp HLA hoàn toàn là 25%; 50% phù hợp một nửa và 25% là không phù hợp hoàn toàn. Thông thường các ca ghép tế bào gốc phải thuận hợp HLA 90-100%. Tuy nhiên gần đây kỹ thuật Haploidentical transplantation gọi tắt là HAPLO, ghép tế bào gốc nửa thuận hợp HLA từ nguồn cho của người thân trong gia đình, đã được áp dụng trên thế giới, với phương pháp HAPLO tỷ lệ thuận chỉ cần 50%. “Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM thực hiện phương pháp HAPLO cho bệnh nhân Cao Xuân Hiệp. Kỹ thuật này có thể cho phép người bệnh được điều trị kịp thời nếu không có người cho thuận hợp HLA hoàn toàn. Thành công từ ca ghép này đã mở ra hy vọng mới cho những trường hợp bị bệnh tương tự”, bác sĩ Dũng đánh giá. |
Nguyên Mi
>> Ca ghép tủy xương đầu tiên ở miền Bắc đã thành công
>> Thực hiện ca ghép tủy đầu tiên cho bệnh nhi
>> Nhân bản tế bào gốc ở người
>> Thử nghiệm điều trị thoái hóa khớp gối bằng tế bào gốc
>> Bệnh nhi đầu tiên trên thế giới ghép khí quản từ tế bào gốc
>> Ứng dụng công nghệ tế bào gốc điều trị liệt tủy sống
Bình luận (0)