Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cùng đại diện các bộ, ngành có liên quan của hai nước đã chứng kiến lễ trao Bản ghi nhớ hợp tác.
Theo quy định tại Bản ghi nhớ hợp tác, phía Nhật Bản chỉ tiếp nhận lao động “kỹ năng đặc định” người Việt Nam sau khi người lao động đã thực hiện các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật Việt Nam và có tên trong “Danh sách xác nhận” được cấp bởi Bộ LĐ-TB-XH, gồm: Những lao động được phái cử bởi các tổ chức, doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB-XH cho phép đưa lao động kỹ năng đặc định đi làm việc ở Nhật Bản.
Những công dân Việt Nam đang cư trú tại Nhật Bản đã được cơ quan tiếp nhận lao động tuyển dụng trực tiếp, gồm các đối tượng sau: Những người được miễn các kỳ kiểm tra và thi, bao gồm thực tập sinh (TTS) đã hoàn thành chương trình thực tập sinh kỹ năng số 2 hoặc số 3. Du học sinh đã tốt nghiệp ít nhất khóa học 2 năm của các trường tại Nhật Bản và thi đỗ các kỳ kiểm tra kỹ năng nghề và tiếng Nhật.
Ngoài ra, để hạn chế việc lợi dụng chương trình du học để đưa lao động sang làm việc tại Nhật Bản, phía Nhật Bản nghiêm cấm du học sinh Việt Nam bị đuổi học, TTS kỹ năng bỏ ra ngoài hợp đồng hoặc những người xin tư cách tỵ nạn tham gia các kỳ kiểm tra kỹ năng tại Nhật Bản; đồng thời, Nhật Bản sẽ có những biện pháp kiểm tra chặt chẽ các cơ sở đào tạo nhằm ngăn chặn việc lợi dụng các chương trình du học cho mục đích làm việc tại Nhật Bản.
Theo cam kết, 2 bên sẽ phối hợp quản lý, giám sát nhằm loại bỏ ra khỏi chương trình phái cử và tiếp nhận lao động kỹ năng đặc định những cơ quan, tổ chức xấu, có hành vi vi phạm luật pháp của hai nước và các quy định nêu trong Bản ghi nhớ hợp tác; ngăn chặn các hoạt động đưa lao động kỹ năng đặc định sang Nhật Bản trá hình dưới hình thức du học.
Ngoài việc quy định các nội dung nêu trên, Bản ghi nhớ hợp tác cũng quy định rõ quyền lợi của người lao động Việt Nam như: lao động kỹ năng đặc định lưu trú tại Nhật Bản được hưởng các quyền lợi theo luật nhập cư, luật lao động và các quy định pháp luật khác có liên quan của Nhật Bản.
Ngoài ra, người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi khác liên quan tới chi phí cho việc đào tạo tiếng Nhật hoặc đào tạo kỹ năng, chi phí đi lại bao gồm chi phí trở về Việt Nam sau khi chấm dứt hợp đồng lao động của các lao động kỹ năng đặc định.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, việc triển khai chương trình trên cơ sở bản thỏa thuận này sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội việc làm mới cho lao động có kỹ năng của Việt Nam, góp phần gắn kết giữa lao động với đào tạo, gắn kết giữa thị trường lao động trong nước với thị trường lao động quốc tế nhưng đồng thời cũng giúp Nhật Bản giải quyết vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực trong một số ngành quan trọng của nền kinh tế và là động lực để thúc đẩy hơn nữa giao lưu, hợp tác, nhất là trong lĩnh vực hợp tác lao động, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ giữa hai nước.
14 ngành nghề Nhật Bản dự kiến tiếp nhận lao động nước ngoàiTrong 5 năm tới, Nhật Bản dự kiến tiếp nhận tổng số 345.150 lao động nước ngoài trong các lĩnh vực: xây dựng (40.000 người), đóng tàu (13.000 người), nông nghiệp (36.500 người), thực phẩm (34.000 người), nhà hàng ăn uống (53.000 người), ngư nghiệp (9.000 người), vệ sinh tòa nhà (37.000 người), công nghiệp rèn đúc (21.500 người), điện và thông tin điện tử (4.700 người), bảo dưỡng/sửa chữa ô tô (7.000 người), hàn cơ khí (5.250 người), lưu trú khách sạn (22.000 người), hộ lý chăm sóc người cao tuổi (60.000 người), hàng không phục vụ mặt đất và bốc xếp hành lý (2.200 người).
|
Bình luận (0)