img
Việt Nam sẽ bán gạo ‘xanh’ và không khí sạch - Ảnh 1.

Những ngày này, ông Phạm Thanh Ca ở ấp Trương Hiền (xã Thạnh Trị, huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) đang chuẩn bị thu hoạch 3 ha lúa theo mô hình "Canh tác thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL". So với kiểu sản xuất truyền thống, mô hình canh tác lúa thông minh giúp giảm lượng lúa giống hơn 40%, giảm 250 kg phân bón NPK/ha và tiết kiệm chi phí thuê nhân công của 3 lần bón phân là 120.000 đồng/ha. Dù giảm lượng lúa giống và phân bón nhưng lúa cứng cây, sạch sâu bệnh và không đổ ngã trong mùa mưa...; năng suất có thể đạt từ 8,3 - 9,4 tấn/ha, lợi nhuận tăng thêm trên 3.840.000 đồng/ha.

Ông Võ Quốc Trung, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng, cho biết: Chương trình "Canh tác thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL" được triển khai từ năm 2016 có sự phối hợp giữa Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Sau khi được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho phép, Bình Điền đã tiến hành nhiều hoạt động để nhân rộng mô hình ở ĐBSCL. Thực hiện tập huấn từ vụ hè thu và thu đông 2023 với số lượng khoảng 5.000 lượt nông dân.

Việt Nam sẽ bán gạo ‘xanh’ và không khí sạch - Ảnh 2.

CÔNG HÂN

Trong nhiều năm gần đây, một số kỹ thuật sản xuất lúa hiện đại đã được nghiên cứu và phổ biến đến bà con nông dân thông qua nhiều dự án khác nhau. Cụ thể, HTX Nông nghiệp An Bình (xã An Bình, Thoại Sơn, An Giang) là nơi điển hình về sản xuất lúa bền vững và nhận được sự hỗ trợ của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ.

Nền tảng của việc sản xuất lúa bền vững dựa trên kỹ thuật mới là giảm giống gieo sạ, giảm phân bón và giảm thuốc trừ sâu bệnh; nhưng vẫn đảm bảo tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế. Cụ thể, với tập quán cũ, nông dân gieo từ 150 - 200 kg giống/ha, từ khi tham gia dự án đã giảm còn 100 - 120 kg/ha. Việc giảm lượng giống lúa gieo sạ đã giúp giảm đáng kể chi phí đầu tư về giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật khoảng 2 - 3 triệu đồng/ha/vụ tùy từng vùng sản xuất. Bên cạnh đó, việc tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận và nguyên chủng trên 75% đã giúp năng suất và chất lượng lúa gạo hàng hóa tăng. Chi phí sản xuất giảm đáng kể, mang lại lợi nhuận cao hơn cho người sản xuất và tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành hàng lúa gạo xuất khẩu. Những kỹ thuật này, được các chuyên gia đúc kết thành những câu thần chú là "3 giảm 3 tăng" hay "1 phải 5 giảm".

Việt Nam sẽ bán gạo ‘xanh’ và không khí sạch - Ảnh 3.

CÔNG HÂN

Dự án VnSAT được triển khai nhằm mục tiêu giúp nghề trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính được triển khai tại 8 địa phương vùng ĐBSCL, bao gồm Tiền Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang và Cần Thơ. Dự án cũng hỗ trợ nông dân đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng và đưa công nghệ 4.0 trong sản xuất lúa, giúp giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo chất lượng lúa phục vụ trong nước và xuất khẩu.

Việt Nam sẽ bán gạo ‘xanh’ và không khí sạch - Ảnh 4.

Việt Nam sẽ bán gạo ‘xanh’ và không khí sạch - Ảnh 5.

PGS - TS Dương Văn Chín, nguyên Phó viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhận định: Giảm phát thải khí nhà kính là đòi hỏi sống còn của thời đại và cũng là chương trình hành động mang tính toàn cầu. Việt Nam cũng đã cam kết với thế giới sẽ xanh hóa nền kinh tế và đưa phát thải ròng về mức bằng 0 vào năm 2050. Vì thế, đây là nhiệm vụ của tất cả các lĩnh vực. "Chúng ta phải cùng chung tay không phải chỉ vì cam kết của Chính phủ với thế giới mà còn vì môi trường sống của mỗi chúng ta hiện tại và con cháu sau này. Có như vậy Việt Nam mới đạt được mục tiêu chung đề ra. Phải rà soát lại những hoạt động nào có thể giảm thì phải cố gắng làm, nỗ lực thực hiện thật tốt" - ông Dương Văn Chín nhấn mạnh.

Theo PGS - TS Dương Văn Chín, bản chất của việc sản xuất lúa truyền thống làm phát sinh nhiều khí nhà kính. Bản thân ông cũng như nhiều chuyên gia khác ở các viện trường và đặc biệt là Đại học Cần Thơ đã có nhiều nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật để làm sao giảm phát thải khí nhà kính. Về cơ bản, mọi cái cũng khá đơn giản, chủ yếu là sử dụng giống xác nhận, giảm giống, giảm phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, kết hợp tưới nước ướt - khô luân phiên, không đốt rơm rạ. Hiện nay, thế giới đang sử dụng Bộ tiêu chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững quốc tế SRP (Sustainable Rice Platform) gồm 41 tiêu chuẩn, mỗi tiêu chuẩn có thang điểm từ 1 - 3, đủ 90 điểm là đạt chuẩn sản xuất lúa bền vững, nhưng nếu đốt rơm rạ sẽ bị điểm liệt (không đạt chuẩn). 

"Khi được cấp chứng nhận chính thức, doanh nghiệp có thể in lên bao bì sản phẩm như một minh chứng về tính vượt trội của nó. Tôi tin là với xu hướng tiêu dùng xanh hiện tại, nếu có chứng nhận SRP thì giá bán sản phẩm sẽ tăng lên rất nhiều", TS Chín nói.

Việt Nam sẽ bán gạo ‘xanh’ và không khí sạch - Ảnh 6.

Cánh đồng đạt chuẩn SRP100 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời

V.H

Ông Nguyễn Duy Thuận, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết: Công ty là đơn vị duy nhất trên thế giới đạt số điểm SRP 100 và đạt 4 năm liên tiếp, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu lúa gạo thế giới IRRI. Năm 2020, Tập đoàn Lộc Trời ký hợp tác với công ty quốc tế, lập dự án để thực hiện mô hình canh tác lúa bền vững từ năm 2016. Mô hình này có các giải pháp về quản lý nước, phân bón và rơm rạ sau thu hoạch đúng cách, giúp giảm lượng khí thải nhà kính tạo ra trong suốt một vụ lúa ước lượng lên đến 2.000 tấn CO2. Hiện nay, dự án về xác lập tín chỉ carbon của Lộc Trời đã được đệ trình lên hệ thống đánh giá và thẩm định của The Gold Standard. Sau khi được thông qua, sẽ đến bước kiểm tra hồ sơ và đánh giá thực địa. Dự kiến sẽ có kết quả vào cuối năm 2023.

"Mục tiêu chính của tập đoàn trong việc xác lập tín chỉ carbon là 'Hồ sơ xanh' cho mảng xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu và Mỹ. Khi luật về 'Thuế carbon' có hiệu lực vào năm 2025 ở các quốc gia này, thì hồ sơ sản xuất xanh là một lợi thế lớn trong cạnh tranh xuất khẩu", ông Thuận nói.

Việt Nam sẽ bán gạo ‘xanh’ và không khí sạch - Ảnh 7.

Việt Nam sẽ bán gạo ‘xanh’ và không khí sạch - Ảnh 8.

Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL" của Bộ NN-PTNT cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ địa phương - nơi là vựa lúa của đất nước. Mới nhất, ngày 22.9, Sở NN-PTNT Đồng Tháp phối hợp với Tổ chức Phát triển Hà Lan tại Việt Nam công bố dự án chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững ở khu vực ĐBSCL (dự án TRVC) cho các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị lúa gạo tỉnh Đồng Tháp. Dự án TRVC hỗ trợ cho Đồng Tháp khoảng 22 tỉ đồng để phát triển chuỗi giá trị lúa gạo tại địa phương.

Các mô hình sản xuất lúa bền vững đang được nhân rộng theo đề án phát triển 1 triệu ha lúa chất lượng cao và giảm phát thải khí nhà kính

Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định, việc phát triển ngành hàng lúa gạo thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải là xu hướng tất yếu trong thời gian tới, gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh của lúa gạo VN. Ngành nông nghiệp Đồng Tháp đang kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia dự án với vai trò là chủ thể trọng tâm, quyết định sự thành công của dự án.

Bà Trần Thu Hà, Giám đốc Dự án TRVC cho biết, với việc sử dụng "cơ chế kéo", dự án TRVC sẽ tạo ra các chất xúc tác hữu hiệu, mang tính tiên phong để thúc đẩy doanh nghiệp tổ chức các vùng nguyên liệu liên kết theo hướng bền vững, đa giá trị, mang lại các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường cho khoảng 200.000 hộ nông dân. Đồng thời tạo tiền đề cho việc chứng nhận tín chỉ carbon, sẵn sàng cho các giao dịch khi thị trường tín chỉ carbon tự nguyện được vận hành thí điểm năm 2025 và chính thức hoạt động từ 2028 theo Nghị định 6.2022 của Chính phủ.

Ông Cao Thăng Bình, chuyên gia cao cấp về nông nghiệp của WB tại Việt Nam, chia sẻ: Khi tổng kết dự án VnSAT, chúng tôi thấy lóe lên tia sáng mới, đó là đã có khoảng 1,5 triệu tấn CO2 được cắt giảm. Nếu quy ra giá trị kinh tế sẽ mang về cho người nông dân 10 - 20 triệu USD mỗi năm hoặc nhiều hơn. Dù dự án đã kết thúc, nhưng thành quả đó vẫn duy trì, nếu nông dân tiếp tục áp dụng quy trình sản xuất cắt giảm CO2. Đối với đề án 1 triệu ha từ nay đến năm 2024, WB sẽ huy động khoảng 40 triệu USD từ Quỹ Tài chính khí hậu và chi trả CO2 vào các năm 2025 - 2026, sẽ có thêm 60 triệu USD nữa. 

"Chúng tôi hy vọng sau 100 triệu USD không hoàn lại này, sẽ tiếp tục tài trợ 300 - 400 triệu USD nữa để thực hiện hết phần còn lại nhằm đạt 1 triệu ha. Bán tín chỉ carbon sẽ giúp người nông dân có thêm nguồn thu nhập, nhưng điều quan trọng hơn là dù có bán hay không bán tín chỉ carbon thì ngành hàng này cũng cần phải thay đổi, phải hiện đại hóa hơn…" - ông Bình nói.

Việt Nam sẽ bán gạo ‘xanh’ và không khí sạch - Ảnh 10.

CÔNG HÂN

TS Dương Văn Chín nhìn nhận: Đến thời điểm này, dù Việt Nam có nhiều mô hình chứng minh tính khả thi và hiệu quả theo hướng bền vững. Nhưng do diện tích còn hạn chế nên giá trị thực tế mang lại chưa cao. Vì thế, các mô hình cần được nhân rộng lên quy mô hàng trăm ngàn và hàng triệu ha thì nó mới mang lại giá trị thực tế về mặt môi trường. Muốn như vậy, cần có sự chung tay góp sức của tất cả mọi thành phần trong xã hội. Từ người tiêu dùng cả nội địa và xuất khẩu, từ doanh nghiệp và quan trọng hơn hết là các chính sách thúc đẩy "xanh hóa hạt gạo" từ phía Nhà nước. Cần rất nhiều thứ, nhiều nỗ lực cho một hành trình dài vì một hành tinh xanh. 

"Tôi tin là với xu hướng tiêu dùng xanh hiện nay thì trong tương lai gần, logo chứng nhận xanh trên bao bì sản phẩm sẽ là giấy thông hành quan trọng mở cửa nhiều thị trường. Nó sẽ còn là chứng nhận ở góc độ nào đó cao hơn cả sản phẩm hữu cơ vì hữu cơ không cấm đốt rơm rạ. Khi có một doanh nghiệp làm được sẽ có nhiều người cùng tham gia và bà con nông dân Việt Nam sẽ làm được", TS Chín lạc quan.

Việt Nam sẽ bán gạo ‘xanh’ và không khí sạch - Ảnh 11.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.